Luật pháp: Vi phạm trầm trọng
Vẫn biết, việc người nhà đột ngột qua đời là “cú sốc” rất lớn đối với những người ở lại, nhưng nếu xét trên mọi khía cạnh và phương diện xã hội thì việc làm đó là vi phạm pháp luật.
Luật sư Trần Viết Hưng, Phó giám đốc công ty Luật Trường Sa, cho biết: “Qua các phương tiên thông tin đại chúng, tôi cũng biết được, gần đây có nhiều bệnh viện tuyến huyện, tỉnh thậm chí là Trung ương đã xảy ra tình trạng bệnh nhân bị tử vong trong quá trình khám chữa bệnh. Về nguyên nhân dẫn đến tử vong và xử lý trách nhiệm ở các bên liên quan đến sự việc là do cơ quan chức năng thụ lý. Việc người dân bức xúc kéo đến bệnh viện, đánh bác sĩ, đập phá máy móc … là vi phạm pháp luật”.
|
Luật sư Trần Viết Hưng: "Việc vây bệnh viện, đánh bác sĩ, đập máy móc có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự". |
Theo luật sư Hưng, đối với trường hợp bao vây bệnh viện thì người nhà bệnh nhân sẽ phải đối mặt với tội danh gây rối trật tự công cộng, có thể thêm cả tội danh có tổ chức.
Đối với trường hợp đập phá máy móc tại bệnh viện công thì sẽ phải đối mặt với tội danh phá hoại tài sản nhà nước.
Còn trường hợp uy hiếp, đánh đập bác sĩ thì sẽ phải đối mặt với tội danh cố ý gây thương tích.
Luật sư Trần Viết Hưng cho biết, với những tội danh trên, cơ quan chức năng sẽ tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc để ra kết luận cuối cùng, có thể chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể sẽ bị phạt hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước những hành vi quá khích của người nhà bệnh nhân trong nhiều trường hợp thời gian gần đây tại các bệnh viện, luật sư Hưng khuyến cáo: “Trước hết người dân phải hết sức bình tĩnh, nếu gặp tiêu cực trong bệnh viện phải gọi ngay cho đường dây nóng và liên hệ với lãnh đạo bệnh viện. Hoặc có thể viết đơn gửi các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chứ không nên manh động và có những hành động dại dột gây ảnh hưởng đến bản thân và những người xung quanh”.
Tâm lý: Phản ứng dây chuyền
Theo các chuyên gia tâm lý, việc người dân bao vậy bệnh viện, đập phá máy móc và đánh đập bác sĩ là việc làm hết sức nguy hiểm. Nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các bác sĩ, cán bộ công nhân viên bệnh viện, từ đó sẽ gây tâm lý hoang mang và làm giảm chất lượng khám chữa bệnh.
Bởi đối với người bác sĩ, khi điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là những bác sĩ phẫu thuật thì luôn luôn căng thẳng đầu óc. Thêm vào đó lại có người nhà bệnh nhân la ó, bao vây bệnh viện sẽ khiến các bác sĩ không thể tập trung vào công việc chuyên môn.
Sự vụ xảy ra, những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (hoặc khoa, phòng nơi xảy ra sự việc), sẽ hoang mang, thậm chí có những trường hợp đòi chuyển viện ngay.
Theo quan điểm của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn thì tâm lý người Việt Nam nói riêng và của con người nói chung, khi xảy ra những sự việc như mất người thân thì họ khó có thể giữ được bình tĩnh và họ phải làm vậy để đòi lại công lý, và muốn biết rõ nguyên nhân vì sao.
Nếu xét một cách tổng thể thì tính cách người Việt Nam là hiền lành, sống tình cảm, có trước có sau, chỉ khi nào sự việc xảy ra quá mức chịu đựng thì họ mới đứng lên phản kháng. Tuy nhiên, về tâm lý, những phản ứng tiêu cực này xuất hiện có thể do một nguyên nhân khác.
"Cũng có thể cho rằng, hàng loạt các vụ bao vậy bệnh viện gây đây là một phản ứng mang tính chất dây truyền", ông Chất cho hay. Vì "khi một trường hợp bao vây bệnh viện, sau đó sự việc được giải quyết nhanh hơn và thấy đáp ứng được cái họ cần, họ muốn và những người làm sai phải chịu trách nhiệm... thì những trường hợp sau khi gặp phải trường hợp tương tự họ sẽ làm theo", bởi vậy mới có hoàng loạt những vụ bao vậy bệnh viện như hiện nay.
"Điểm mấu chốt là lãnh đạo bệnh viện, người có trách nhiệm giải quyết phải đặt mình vào hoàn cảnh của những người đang mất người thân từ đó hiểu được tâm tý của họ và giải quyết theo hướng tình cảm trước, cùng với đó là làm rõ sai phạm về những người liên quan, chứ không phải là vài ba đồng tiền bồi thường", nhà tâm lý Nguyễn An Chất phân tích.
Vụ việc vây bệnh viện, đánh bác sĩ, đập phá máy móc nghiêm trọng gần đây nhất xảy ra hổi tháng 8, tại Hà Tĩnh. Theo đó, trưa ngày 12/8, bệnh nhân Hồng, 75 tuổi, bị ngừng tuần hoàn sau khi được các y bác sĩ tiêm thuốc kháng sinh. Chẩn đoán bệnh nhân bị sốc phản vệ, nhân viên y tế đưa bệnh nhân lên Khoa Hồi sức tích cực để cấp cứu nhưng ông Hồng tử vong tại đây.
Nhận được tin người nhà tử vong bất thường, người thân bệnh nhân Hồng bao vây các y, bác sĩ tại đây rồi lao vào hành hung, đập phá máy móc và kính cửa phòng điều trị tích cực.
Hậu quả vụ ẩu đả trên đã khiến bác sĩ Mai Văn Lục, Trưởng Khoa Hồi cức tích cực, bị rách ở vùng mắt phải khâu 2 mũi; 3 y, bác sĩ khác bị thương. Nhận tin báo của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, Công an TP Hà Tĩnh điều hàng chục cán bộ, chiến sỹ xuống hiện trường làm rõ vụ việc.
Và mới đây nhất, ông Nguyễn Tiến Nam - Trưởng Công an TP. Hà Tĩnh cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh) vừa ra quyết định khởi tố vụ án "đập phá bệnh viện, đánh bác sĩ" để tiếp tục điều tra về nguyên nhân gây ra cái chết đối với bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng liên quan đến BS. Đào Xuân Lý - Phó Trưởng khoa Chấn thương và điều dưỡng Phan Văn Hà. Cơ quan CSĐT cũng tiếp tục điều tra về hành vi hủy hoại tài sản đối với người thân của nạn nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, H. Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) theo Điều 143 Bộ luật Hình sự.