Sùi bọt mép, bất tỉnh vì bị bọ xít hút máu đốt

Google News

(Kiến Thức) - Hiện tượng côn trùng đốt gây trụy tim mạch hay ngộ độc dẫn đến bất tỉnh không hiếm nhưng trường hợp ông Nam là nguy hiểm và hiếm gặp.

Theo các chuyên gia côn trùng học, trường hợp ông Đỗ Thành Nam (42 tuổi; ở 25 đường Thái Nguyên, phường Phước Tân, TP Nha Trang) vừa bị bọ xít hút máu đốt dẫn đến bất tỉnh là hiếm gặp. Vì thế, cần có sự theo dõi và kiểm tra sát sao cả người bị bệnh lẫn mẫu vật thu được để tránh những ảnh hưởng đến nhiều người.

Nguy hiểm và hiếm gặp

Theo thông tin, khoảng 4 giờ sáng 7/7, ông Đỗ Thành Nam kêu mệt trong người, sau đó thấy ngứa hai tay, lan xuống hai chân, rồi cả người đau như có kim châm. Đang mặc quần áo để đi cấp cứu thì ông Nam bất ngờ ngã quỵ, sùi bọt mép, bất tỉnh. Ông Nam nhập cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, chỉ còn 80/40, đại tiểu tiện ra quần. 

Tưởng chồng bị con gì có nọc độc vừa cắn, bà Huyền nhìn quanh thì thấy trong màn có một con bọ xít. Bà đã chuyển con bọ xít này đến bác sĩ để nghiên cứu. 

Kiểm tra mẫu vật bọ xít thu được để tìm nguyên nhân. 

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu - chống độc, Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa, bác sĩ Phạm Đình Chi, Phó khoa xác nhận con côn trùng do vợ ông Nam đưa mẫu là bọ xít hút máu. Đây là trường hợp đầu tiên khoa cấp cứu một bệnh nhân ở Nha Trang nghi thủ phạm là bọ xít hút máu người.  

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), hiện tượng côn trùng đốt gây trụy tim mạch hay ngộ độc dẫn đến bất tỉnh là không hiếm, ví dụ như bị nhiều cá thể ong đốt. Tuy nhiên, trường hợp do bọ xít đốt gây tác động mạnh như trường hợp trên là nguy hiểm và hiếm gặp. 

Trên thực tế, các dị ứng do bọ xít hút máu đốt rất nhiều. Tuy nhiên, trường hợp nặng nhất được ghi nhận trong hàng trăm người dân do TS Trương Xuân Lam ghi nhận chỉ là sưng tấy, phù nề, gây sốt, không cử động được trong vài ngày. Vì thế, việc ông Nam bị tụt huyết áp, ngã quỵ, đại tiểu tiện không kiềm chế là trường hợp đặc biệt, nguy hiểm. Do đó, cần có sự theo dõi và kiểm tra sát sao cả người bị bệnh lẫn mẫu vật thu được. 

"Cần kiểm tra mẫu vật xem có sự khác biệt nào so với các mẫu vật đã thu thập được, kiểm tra tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân trước khi bị đốt, bị đốt 1 lần hay đã bị đốt nhiều lần mà không biết, một cá thể bọ xít đốt hay bị nhiều cá thể đốt... thì may ra mới có câu trả lời thoả đáng cho trường hợp này", TS Trương Xuân Lam cho biết. 

Ông Nam đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa.  Ảnh: Vnexpress

Thần kinh yếu dễ sốc khi thấy côn trùng

Ở phương diện khác, GS Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng côn trùng học cho hay, các biểu hiện như tim đập nhanh, tụt huyết áp... có thể là sốc phản vệ do côn trùng đốt. 

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trường hợp trên. Thứ nhất chủ yếu do côn trùng, động vật có nọc độc mạnh đốt. Nọc độc với dư lượng cao này sẽ đi vào máu gây ngộ độc cho cơ thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng như bị ong đất đốt, rắn cắn... Trong các trường hợp này cần có sự cấp cứu kịp thời của các bác sĩ. 

Nguyên nhân thứ hai có thể là do cơ địa dị ứng hoặc thần kinh yếu. Nhiều người khi nhìn thấy côn trùng hay biết côn trùng đốt đã có những ấn tượng đến thần kinh gây ra những hoảng sợ nhất định. Việc ấn tượng này cũng tác động đến tim mạch. Tùy vào phản ứng của từng người có thể là tụt huyết áp, chân tay run, tiểu tiện không kiềm chế... Đối với trường hợp này là do cơ địa, không thuộc cơ chế hóa học nào từ côn trùng. 

"Thông thường các loài hút máu sẽ khiến con người có biểu hiện trên. Bởi hầu hết, các loài này chỉ hút máu ra chứ không đẩy máu vào để gây nên các tác động hóa học. Nếu có, chúng chủ yếu tiết ra chất đông máu", GS Bùi Công Hiển nói. 

PGS.TS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội: Hiện tượng sốc phản vệ côn trùng tương tự như sốc phản vệ khi sử dụng kháng sinh. Trong trường hợp thấy mệt mỏi, đau đầu, loạn nhịp tim... cần đưa đến bác sĩ kịp thời.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Hiền Dung

Bình luận(0)