“Mồi nhử” của bọ xít hút máu người

Google News

(Kiến Thức) - Bọ xít hút máu người là mối quan ngại của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, nơi đã từng bị loài này hoành hành và gây hoang mang dư luận vài năm trước.

Bọ xít hút máu đã được phát hiện lần đầu tiên ở nước ta vào năm 2010. Sự xuất hiện của bọ xít hút máu đã gây hoang mang cho không ít gia đình ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Huế, Đà Nẵng... 

Qua quá trình lấy mẫu vật nghiên cứu, các nhà khoa học đã có những phát hiện mới về loài vật này.


Tích gỗ, chất thải... thu hút bọ xít hút máu

Những thói quen xấu như tích trữ phế thải, vệ sinh nhà cửa kém... của một số gia đình chính là nguyên nhân thu hút bọ xít hút máu.  

PGS.TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, người đầu tiên nghiên cứu về bọ xít hút máu đã ghi nhận những con số kỷ lục về loài này tại Hà Nội. Cụ thể, có đến 31/36 phố phường với 121 điểm được ghi nhận thấy sự hiện diện của loài bọ xít hút máu Triatoma rubrofasciata ở 9 huyện và 12 quận nội thành.

Trong khu dân cư, sự phong phú của bọ xít phụ thuộc vào môi trường cũng như  các mùa trong năm. Ở Long Biên và huyện Từ Liêm của Hà Nội, người dân hầu hết phát hiện ra bọ xít ở các giai đoạn phát triển như trứng, con non và trưởng thành. 

Theo PGS. TS Trương Xuân Lam, qua nghiên cứu cho thấy, chính thói quen chứa gỗ, củi hay tích lũy các chất thải và vật dụng cũ lâu ngày của các gia đình là sinh cảnh để bọ xít hút máu sinh sản và tạo thành các ổ lớn. Bởi chính các địa điểm này thường có độ ẩm thấp, mất vệ sinh. Cụ thể, trong 7 tổ bọ xít hút máu lớn đã được tìm thấy, một tổ nằm ở khe tường, một tổ trên gác xép gỗ và 5 "tổ" là những đống gỗ, củi.  

Bên cạnh đó, các địa điểm này cũng là nơi chuột sinh sống hay nói cách khác chuột là vật chủ quan trọng cung cấp thức ăn cho bọ xít hút máu. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, sau khi kiểm tra máu dạ dày của 200 con bọ xít hút máu thì có đến 85,0% máu của chuột, 7,5% cả máu chuột và máu người. Kết quả này phù hợp với nhận định của nhà khoa học Sandoval et al. là "Các chất dinh dưỡng trong máu của hầu hết các loài bọ xít Triatominae  là của động vật có xương sống".

Vì thế, chuyên gia khuyên các gia đình không nên tích trữ quá nhiều gỗ, củi, hay chất thải để tránh làm nơi ẩn náu cho bọ xít.

Phát hiện ổ bọ xít tại đống gỗ thải của một gia đình ở Cổ Nhuế, Từ Liêm,
Hà Nội. 

Thu hút bởi mồ hôi, nhiệt độ

Nghiên cứu của tác giả Silvia Susana Catalá (Argentina) chỉ rõ, một lý do quan trọng khiến bọ xít xâm nhập vào môi trường sống của con người vì đây là nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ẩn. Bọ xít vào nhà là do bị thu hút bởi mùi hương và nhiệt độ. Mùi hương khiến chúng nghĩ đến đặc trưng của thực phẩm và nơi trú ẩn. 

Đối với thực phẩm, carbon dioxide, thành phần chính của hơi thở đứng đầu sự thu hút bọ xít, sau đó là các mùi hương khác như axit lactic. Về carbon dioxide, mỗi hơi thở ra chứa khoảng 45.000ppm CO2, hòa lẫn vào không khí khoảng 300 - 400ppm và bọ xít có thể cảm nhận được sự kích thích này khi nền khí quyển tăng lên đến 800ppm hoặc hơn. Axit lactic cũng làm tăng CO2. 

Ngoài ra, nhiệt độ là một thông số quan trọng. Bọ xít hút máu có giới hạn nhiệt độ và sở thích. Chúng thường hoạt động khi nhiệt độ môi trường xung quanh là 16 hoặc cao hơn, nhưng hơn 40 độ C có thể là trở ngại. Từ 25 - 29 độ C dường như là điều kiện tốt cho sự trú ẩn, từ 29 - 36oC là nhiệt độ tối ưu cho việc kiếm mồi.  

Các nhà khoa học cũng đã khảo sát thấy, bọ xít hút máu có mặt trong các tòa nhà, có thể từ tầng trệt đến tầng năm. Vì thế, các chuyên gia khuyên, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, giặt giũ chăn màn thường xuyên để hạn chế sự thu hút mồ hôi. Tránh mặc quần áo sau đó treo không giặt. Thường xuyên vệ sinh các khe giường, khe tường... 

Từ ngày 17 - 21/6/2013, Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp - IRD, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư - NIMPE, Viện Sinh thái & Tài nguyên sinh vật (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) phối hợp tổ chức thực hiện hội thảo quốc tế về "Thực trạng và vai trò dịch tễ của bọ xít hút máu tại Việt Nam". Tại hội thảo, các chuyên gia côn trùng trên toàn thế giới đã cùng nhìn nhận về hiện trạng sinh trưởng, phát tán lan rộng của loài côn trùng này bằng phân tích cơ sở khoa học, chuyên sâu, thấu đáo của các chuyên gia đến từ Mỹ Latinh. 

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Thu Hiền

Bình luận(0)