Sẽ không còn phải chen chúc xếp hàng khám bệnh?

Google News

(Kiến Thức) - Một trong những giải pháp giảm tình trạng quá tải bệnh viện được Bộ Y tế đưa ra là giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân thông qua việc cải tiến, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh.

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giảm tải bệnh viện. Theo đề án này, Bộ Y tế quyết tâm chấm dứt tình trạng quá tải bệnh viện vào năm 2020. Trước mắt, ngành y tế sẽ tập trung giảm tải ở 5 chuyên khoa đang quá tải trầm trọng nhất là: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc các bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP.HCM.

Bộ Y tế cũng đã đề ra một loạt các giải pháp nhằm giảm tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh như: Tiếp tục đầu tư xây dựng mới, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện, cải tạo khoa khám bệnh, mở rộng loại hình điều trị ngoại trú, cải cách thủ tục hành chính trong khâu khám bệnh; tăng số phòng khám, tăng ca, tăng giờ làm việc,… Đặc biệt, là mở rộng dịch vụ tư vấn và đặt lịch hẹn khám bệnh, tái khám qua điện thoại (hình thức hẹn tái khám qua dịch vụ 1080) được triển khai hiệu quả tại một số bệnh viện ở TP.HCM như: Cấp cứu Trưng Vương, Nhân dân Gia Định, Nhi Đồng 1…
 Qúa tải bệnh viện xảy ra thường xuyên ở các bệnh viện lớn. Ảnh: Internet.

Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến của các bệnh viện để rút ngắn quy trình khám chữa bệnh. Theo đó, từ quy trình 12 bước như hiện nay sẽ cải tiến, rút ngắn xuống còn 4 bước đối với khám bệnh lâm sàng, 6 bước đối với khám bệnh lâm sàng có xét nghiệm và 7 bước đối với khám bệnh lâm sàng có xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

Thay vì bệnh nhân phải trải qua nhiều lần đóng viện phí thì với quy trình mới, việc thu phí khám chữa bệnh chỉ được thực hiện một lần/lượt khám và từ thủ tục cần 6 chữ ký của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được rút ngắn còn 4 chữ ký. Việc làm này nhằm giảm thời gian chờ đợi, tránh gây phiền hà và tăng sự hài lòng của bệnh nhân, đặc biệt là người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định rằng: Bệnh nhân phải mất thời gian rất nhiều ở khâu chờ lấy kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Do đó, các bệnh viện phải tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập hệ thống tự động hẹn trả kết quả xét nghiệm cụ thể theo từng mốc thời gian trong ngày, không để bệnh nhân phải chờ lấy kết quả kiểm tra mà kết quả này được nhân viên y tế chuyển thẳng về phòng khám. Đồng thời, hiện nay đa số người dân tập trung khám bệnh vào buổi sáng nên các bệnh viện cũng cần linh hoạt để tăng cường lực lượng y, bác sĩ vào buổi sáng để phục vụ người dân.

Hiện nay, nhu cầu khám và chữa bệnh của người dân tiếp tục gia tăng, năm 2012, số lượt khám chữa bệnh tăng 6,8%, nhu cầu điều trị ngoại trú tăng 10,8%, điều trị nối trú tăng 6% so với năm 2011. Đặc biệt, điều trị ngoại trú ở tuyến trung ương vẫn tăng cao nhất trong các tuyến, tăng 18%, điều trị nội trú ở tuyến này tăng 8,5% so với năm 2011.

Công suất sử dụng giường bệnh ở các bệnh viện hiện nay là 99,4%, trong đó nhiều bệnh viện tuyến trung ương đang có công suất sử dụng giường bệnh quá cao (trên 120%), nhưng cũng có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, tỉnh, công suất sử dụng giường bệnh thấp (dưới 50%). Những số liệu trên cho thấy, đa số bệnh nhân vẫn có xu hướng đổ về các bệnh viện tuyến trung ương, gây nên tình trạng mất cân đối trong ngành y tế và sự quá tải trầm trọng ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Để khắc phục tình trạng này, ngành y tế quyết tâm nâng cao năng lực của y tế cơ sở, giảm tình trạng bệnh nhân dồn về tuyến trên; phấn đấu nâng công suất sử dụng giường bệnh các các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện lên 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và đào tạo, chuyển giao dịch vụ kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới theo Đề án 1816; đào tạo chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 47, 930 và quy định chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

TIN LIÊN QUAN
Bùi Hương

Bình luận(0)