Phụ gia thực phẩm: Ngon miệng, hại sức khoẻ

Google News

Kết quả nghiên cứu từ 381 sản phẩm bao gói sẵn cho thấy, tỷ lệ dùng phụ gia trong chế biến thực phẩm là 76,4%.

(Kienthuc.net.vn) - Kết quả xét nghiệm của nhóm các nhà khoa học thuộc Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho thấy, tỷ lệ sử dụng phụ gia thực phẩm trong một số loại thực phẩm chế biến quá cao, thậm chí có thực phẩm chứa tới 23 loại phụ gia.

Chất phụ thành... chính

Kết quả nghiên cứu từ 381 sản phẩm bao gói sẵn cho thấy, tỷ lệ dùng phụ gia trong chế biến thực phẩm (PGTP) là 76,4%. Trong đó,  bánh, kẹo, mỳ gói chiếm tỷ lệ sử dụng PGTP cao nhất. Việc sử dụng từ 1 - 3 phụ gia cho một sản phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất 36,2%, tỷ lệ sử dụng 12 phụ gia trở lên tới 23 phụ gia cho một sản phẩm là 6,6%.

Cụ thể, nhóm điều vị chiếm tới 27,3% và được sử dụng nhiều nhất là mono sodium glutamate, nhóm phẩm màu chiếm 35,5% được sử dụng nhiều nhất là tartrazin, nhóm làm ẩm sử dụng nhiều nhất là glycerol, nhóm chất bảo quản chống oxy hóa là axit xitric và natri hydro cacbon. Ngoài ra, chất ngọt tổng hợp vẫn còn được sử dụng với tỷ lệ là 8,4%. Nhóm thực phẩm sử dụng nhiều phụ gia nhất là bột, cá và đường sử dụng từ 12 phụ gia trở lên.

Ngày 21/11, khảo sát tại các cửa hàng thực phẩm tại TPHCM gồm: Cửa hàng trên đường Hà Huy Giáp (quận 12), đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), Big C (quận Tân Bình)... cho thấy, những mặt hàng thông dụng trong bếp ăn của nhiều gia đình như tương ớt, nước tương, nước mắm, sa tế các loại, chất ướp thịt nướng, giấm ăn đều sử dụng  3 - 4  loại phụ gia trở lên/sản phẩm.
 
Có loại nước tương có tới 20 chất phụ gia chủ yếu là nhóm chất điều vị. Hay bánh ngọt bông lan, bánh que xốp, vị bánh mà trẻ em ưa thích cũng chứa tới con số hơn 20 phụ gia/sản phẩm.

BS Trần Văn Ký xem thành phần phụ gia ghi trên bao bì gói thực phẩm dạng bột.
BS Trần Văn Ký xem thành phần phụ gia ghi trên bao bì gói thực phẩm dạng bột.

Mập mờ thông tin thành phần sản phẩm

Theo BS Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm văn phòng phía Nam, các chất phụ gia được phép dùng trong thực phẩm hiện nay với mục đích là kéo dài tuổi thọ của sản phẩm.
 
Khi dùng hóa chất phụ gia để bảo quản thực phẩm thì chỉ có tác dụng với sản phẩm chứ không có giá trị dinh dưỡng. Vậy khi lạm dụng phụ gia đồng nghĩa với việc cơ thể phải nạp số hóa chất không mong muốn và  sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Trước sự chứng kiến của phóng viên, BS Trần Văn Ký đã chứng minh trên một loại sản phẩm thuộc nhóm bột. Với một dãy dài chi chít những chất phụ gia, vị chuyên gia này phải dùng kính hiển vi soi mới thấy rõ tên tuổi của các chất. Trên các gói này, nhà sản xuất có sử dụng chất điều vị sodium Inosinate (E631) và sodium guanylate (E627).

Thông tin thành phần các chất trên một chai nước tương.
Thông tin thành phần các chất trên một chai nước tương.

BS Trần Văn Ký phân tích: Đây là chất điều vị cho vị ngon ngọt như thịt và  xương. Hiện hai chất này không có trên thị trường mà chỉ có một chất chung ký hiệu là I+G. Nếu chỉ pha trộn I và G theo cách thông thường thì sẽ không tạo được vị ngọt.
 
Nhưng khi kết hợp hai chất này bằng quy trình công nghệ thì sẽ tạo thành chất làm rối loạn chuyển hóa, gây ung thư, quái thai. Hiện trong các danh mục phụ gia dùng cho thực phẩm tuyệt đối không có tên chất này. Tuy nhiên, trong các thực phẩm  như mắm, tương, giò, chả, có thấy chất này.

Về thông tin PGTP, ông Nguyễn Văn Đạt, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho biết: Thực tế dễ nhận thấy là ký hiệu không đầy đủ, không ghi tên chất mà chỉ ghi mã số. Khi nhìn vào mã số, người tiêu dùng khó biết là chất gì vì chữ in quá nhỏ.
 
Hơn nữa, nhà sản xuất cũng không tách rõ thành phần thực phẩm, thành phần phụ gia. Người tiêu dùng dù kỹ tính cũng không thể trang bị sẵn kính lúp, đèn pin để soi thành phần phụ gia trên sản phẩm khi mua hàng.

Việt Nam hiện có hơn 280 chất PGTP được phép sử dụng. Tuy nhiên, nước ta chưa có quy định về tổng hàm lượng phụ gia cộng lại trong một đơn vị thực phẩm, quy định cho 1 chất thì có chứ 10 chất thì không. Nguy hiểm hơn là việc sử dụng cùng lúc nhiều  PGTP/sản phẩm có tác hại do tương tác thì không kiểm soát được. BS Trần Văn Ký      
 
Quỳnh Hương
 

[links()]

Bình luận(0)