Đại diện Hải quân Pakistan tiết lộ, vụ thử nghiệm gồm việc phóng các tên lửa tấn công mặt đất hiện đại, thử nghiệm trình diễn hiệu quả phá hủy và độ chính xác của hệ thống vũ khí của hải quân, cũng như trạng thái sẵn sàng chiến đấu và mức độ tác chiến chuyên nghiệp của hải quân.
Mặc dù Hải quân Pakistan sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình chống tàu và tên lửa đối không, nhưng họ không tiết lộ chi tiết loại tên lửa đối đất được bắn trong cuộc thử.
Mansoor Ahmed, chuyên gia quân sự thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng (Đại học Quaid-e-Azam) nói rằng, tên lửa “bí mật” được thử nghiệm có thể là một trong hai loại: biến thể tấn công mặt đất của tên lửa chống tàu C-802/CSS-N-8 (Trung Quốc sản xuất); biến thể của tên lửa hành trình đối đất Hatf-VII/Vengeance-VII Babur.
Tên lửa hành trình đối đất tầm xa Babur.
“Được lắp một đầu đạn plutoni cỡ nhỏ, biến thể hải quân của tên lửa hành trình tầm xa Babur hoặc một tên lửa C-802 (tầm bắn 120km) có thể cung cấp cho Hải quân Pakistan đảm bảo nếu không phải là một khả năng tấn công thứ hai thì sẽ hoàn thành chân đế thứ ba cho bộ ba vũ khí răn đe đáng tin cậy của Pakistan”, ông Ahmed nói.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại đứng trên quan điểm nghiêng về giả thuyết tên lửa Babur, bởi biến thể hải đối đất của Babur đã được đặt trên tàu hộ tống Zulfiquar (lớp F-22P).
Vụ thử nghiệm diễn ra 7 tháng sau khi Pakistan thành lập Bộ Tư lệnh Lực lượng Hải quân Chiến lược (NSFC). Babur là một trong những tên lửa được tích hợp để hoạt động trong lực lượng chỉ huy-giám sát hải quân và “giúp đa dạng hóa các giải pháp lựa chọn để chống lại khả năng tấn công thứ hai của Ấn Độ từ phía biển”.
Ông này nói rằng, Hải quân Pakistan sẽ có khả năng “tấn công giới hạn, chống lại những mục tiêu chiến lược ở dọc theo bờ biển và duy trì khả năng chiến lược ở biển Ả Rập”.