Ấn Độ tăng sức mạnh cho tên lửa hành trình BrahMos

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Độ đang nâng cấp tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos với hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến của Nga.

"Siêu hỏa tiễn" BrahMos

Các nguồn tin trong lực lượng chiến lược của Quân đội Ấn Độ tiết lộ, nước này đang nâng cấp tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos của họ bằng cách kết hợp với hệ thống định vị vệ tinh tiên tiến của Nga.

Theo đó, hệ thống định vị của BrahMos sẽ kết hợp với hệ thống của tên lửa hành trình chiến lược Kh-555 và Kh-101 của Nga. 

Một đặc điểm quan trọng khác của biến thể tên lửa BrahMos nâng cấp là được bổ sung công nghệ định vị vệ tinh GLONASS của Nga. Công nghệ này có tầm quan trọng chiến lược bởi nhà cung cấp dịch vụ định vị GLONASS của Nga sẽ cho phép Quân đội Ấn Độ truy cập các liên kết thông tin quân sự của họ, trong khi hệ thống GPS của người Mỹ thì không.

Tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh BrahMos và container bảo quản.

Biến thể BrahMos không những mang được đầu đạn thường mà còn cả đầu đạn hạt nhân, tầm bắn tăng từ 300 lên 500km. Tương tự thế hệ đầu, BrahMos mới có thể phóng từ tàu chiến, bệ phóng trên đất liền và trên không.

Trong đó, biến thể BrahMos phóng từ trên không mới sẽ được mang trên chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MKI. Không quân Ấn Độ sẽ trở thành một lực lượng mạnh hơn vào năm 2020 sau khi họ lên kế hoạch triển khai 200 chiến đấu cơ Sukhoi tiên tiến trang bị với biến thể “siêu hỏa tiễn” BrahMos mới. Đây sẽ là một kết hợp “đáng sợ” và biến những tiêm kích chiến thuật trở thành những máy bay chiến lược.

Tên lửa BrahMos mới sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra và thử nghiệm trước khi được đưa vào hoạt động trong Quân đội Ấn Độ. Tuy nhiên, thời điểm đó sẽ không còn xa.

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos

Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos là dự án hợp tác phát triển giữa NPO Mashinostroeyenia (Nga) và Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO). Cái tên BrahMos là tên viết tắt của hai con sông: Brahmaputra (Ấn Độ) và Moskva (Nga).

Tên lửa BrahMos có khối lượng phóng 3 tấn (biến thể trên không nặng 2,5 tấn), dài 8,4m, đường kính thân 0,6m. Tên lửa lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 300kg, tầm bắn khoảng 290km, tốc độ hành trình gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

BrahMos được thiết kế hệ thống động cơ hoạt động theo hai giai đoạn, đầu tiên là đốt cháy nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa đạt vận tốc siêu thanh sau đó sẽ chuyển sang động cơ đẩy nhiên liệu lỏng duy trì vận tốc trong suốt quãng đường bay tới mục tiêu.

BrahMos trang bị dưới bụng tiêm kích Su-30MKI.

BrahMos hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”, thực hiện nhiều đường bay đa dạng khác nhau, theo nhiều đường khác nhau tới mục tiêu. Độ cao hành trình có thể lên tới 15 km và ở giai đoạn cuối bay ở độ cao thấp, chỉ 10 m, do vậy các hệ thống phòng thủ của đối phương rất khó đánh chặn.

Khi so sánh với các tên lửa hành trình cận âm hiện đại trên thế giới hiện nay, BrahMos có vận tốc nhanh gấp 3 lần và tầm bay lớn hơn từ 2,5-3 lần, khoảng thời gian tìm kiếm mục tiêu nhanh hơn 3-4 lần và động năng tấn công gấp 9 lần. Sức mạnh phá hủy của nó được tăng cường do có động năng khí động học lớn khi va chạm vào mục tiêu.

Cho đến nay, Ấn Độ triển khai tên lửa BrahMos ở khu vực phía Tây để chống lại Pakistan. Tuy  nhiên, từ khi tên lửa được lắp đặt lên một bệ phóng cơ động, nó có thể được vận chuyển tới mọi nơi trên đất nước và được triển khai trong thời gian ngắn.

Quân đội Ấn Độ đang lên kế hoạch triển khai BrahMos để chống lại mối đe dọa tiềm tàng Trung Quốc trong tương lai gần.

Ấn Độ cũng lên kế hoạch phóng thử nghiệm một biến thể tên lửa hành trình BrahMos từ trên không vào cuối năm 2012. Nếu kế hoạch này thực hiện thành công, họ sẽ là quốc gia duy nhất được trang bị tên lửa siêu âm trong tất cả các lực lượng quân đội của đất nước. Tuy nhiên, dường như kế hoạch thử nghiệm biến thể BrahMos trên không trong năm 2012 sẽ không kịp đáp ứng.

Một biến thể siêu vượt âm đang được phát triển có khả năng đạt tới tốc độ Mach 7 để tăng cường khả năng tấn công nhanh, dự kiến sẽ sẵn sàng vào năm 2016.

Liên doanh Nga-Ấn sẵn sàng xuất khẩu BrahMos tới bất kỳ quốc gia nào quan tâm, miễn là họ sẵn sàng bỏ ra từ 2-3 triệu/một tên lửa. Chi phí tùy thuộc vào mỗi biến thể.


Nguyễn Yến (theo Indrus)

Bình luận(0)