Khi về già, người cao tuổi thường hình thành một số thói quen đặc trưng như lười vận động; lạm dụng việc sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc bổ; xem tivi quá nhiều; thiếu tích cực trong việc tham gia các hoạt động xã hội... Theo các nhà khoa học, những thói quen này gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người già.
Đừng nghĩ bổ mà lạm dụng
Khi nhiều tuổi, người già thường mắc một số bệnh, vì thế tâm lý trong người có bệnh luôn thường trực. Chính tâm lý này khiến người già rất thích uống thuốc, nhất là thuốc bổ... thậm chí nhiều người già còn tự tưởng tượng ra bệnh và yêu cầu được uống thuốc.
Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thu Hà (Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) rất khổ sở vì việc bố mẹ chị "nghiện" thuốc. Chị tâm sự, bất kể bệnh gì, kể cả là những bệnh thuộc tuổi già như mất ngủ, người hay nhức mỏi, ông bà đều lôi thuốc ra uống. Có lần đi công tác dài ngày về, chị phát hoảng khi nghe thấy hai ông bà "khoe" thành tích uống thuốc của mình. Mẹ chị kể đợt vừa rồi bị ho, uống đến 30 viên kháng sinh mới khỏi. Nghe mẹ chị kể thế, bố chị ngồi bên cạnh cười khà khà: "Bà uống có 30 viên mà đã kể, đợt trước tôi bị cảm cúm uống tất cả hơn 60 viên, mà toàn là kháng sinh liều cao nhé".
Chị Hà kể thêm, không chỉ tự ý uống thuốc, uống nhiều mà bố mẹ chị thậm chí còn tự thay đổi liều dùng. Có lần, bố chị bị ốm, bác sĩ kê đơn ngày uống 2 viên, nhưng vì muốn nhanh khỏi bệnh, ông liền tăng lên 4 viên/ngày. Kết quả là sau khi uống, chân tay ông run lẩy bẩy, tim đập mạnh rồi nôn thốc nôn tháo, đưa đến bệnh viện kiểm tra thì hóa ra ông bị ngộ độc thuốc do uống liều cao.
Anh Trần Hồng Hà (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng than phiền về tình trạng bố mẹ già thích uống thuốc bổ. Anh kể, mỗi lần xem tivi, đọc báo, cứ thấy quảng cáo thuốc bổ là ông bà giục con cái đi mua, không mua thì ông bà giận bảo con cháu tiếc tiền rồi tự ý đi mua.
Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam cho biết, bản thân ông hiện nay cũng đã bước qua tuổi 70, vì thế cùng là người già nên ông rất hiểu và thông cảm "sở thích" uống thuốc của người già. Lương y Vũ Quốc Trung giải thích, lý do "sính" thuốc, nhất là thuốc bổ của người già xuất phát từ việc sợ bệnh tật, sợ sức khoẻ yếu. Khi về già, cơ thể lão hóa cũng là lúc, người cao tuổi mắc nhiều bệnh, sức khỏe cũng bắt đầu giảm sút vì thế người già luôn bị "ám ảnh" về bệnh tật, về sự già nua nên đâm ra thích uống thuốc, thậm chí nhiều người còn bị "nghiện" uống thuốc, đặc biệt là các loại thuốc bổ.
|
Ảnh minh họa. |
Chung sống một cách khôn ngoan
Mặc dù hiểu và thông cảm với sở thích uống thuốc của người già, tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung cho rằng, thói quen "sính" thuốc của người già là rất tai hại. Ví dụ, người già thường đau nhức mình mẩy thì nghĩ rằng mình bị loãng xương nên cứ sữa bổ sung canxi, phòng chống loãng xương là rủ nhau uống, cụ này mách cụ kia, có khi một xóm có chục cụ thì cả chục cụ cùng uống sữa chống loãng xương. Tuy nhiên, không phải ai cũng loãng xương để cần phải bổ sung. Việc bổ sung thừa vừa tốn kém có khi lại còn gây ra tác dụng ngược.
Đồng quan điểm, ThS Đinh Đoàn, Công ty TNHH Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển Cá nhân và Cộng đồng cho biết: Việc người già "sính" thuốc, ngoài lý do là cơ thể ốm yếu nên thích dùng thuốc, thì việc thích thuốc còn xuất phát từ những cơ cực trong quá khứ. Các cụ đã sống qua thời bao cấp đói khổ, cái thời mà một viên thuốc bổ như B1, B12 vừa hiếm vừa quý như vàng. Việc quý thuốc, thích thuốc đã ăn sâu vào trong máu. Vì vậy, việc đòi hỏi người cao tuổi thay đổi thói quen này là điều rất khó.
Tốt nhất là thay vì thay đổi thói quen này, con cái cần xác định "chung sống" một cách đầy khôn ngoan. Ngoài việc thường xuyên để ý, nhắc nhở các cụ trong việc dùng thuốc, con cái có thể sử dụng một vài "liệu pháp tâm lý". Ví dụ, khi người già mất ngủ đòi uống thuốc ngủ, nếu cấm các cụ uống thuốc sẽ khiến các cụ ấm ức, mất ngủ càng trầm trọng hơn. Tuy nhiên, nếu con cháu thay vào đó là một loại thuốc "vô hại" nào đó sẽ khiến các cụ cảm thấy hài lòng, giấc ngủ có khi sẽ được cải thiện hơn do tâm lý yên ổn.
(còn nữa)
Phải hạn chế tối đa việc dùng thuốc cho người cao tuổi, tránh lạm dụng thuốc, nhất là các thuốc được cho là "thuốc bổ", uống loại gì, uống thế nào cũng cần phải được sự tư vấn, chỉ dẫn của bác sĩ chứ không tự tiện uống. Ngoài ra, cần theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên về hiệu quả cũng như tác dụng phụ của thuốc.
Lương y Vũ Quốc Trung