Phòng thử nghiệm của GS - TS Chu Phạm Ngọc Sơn - Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM phát hiện, ngoài chất trên, các mẫu bún còn có các hóa chất độc hại khác như sodium sulfite và sodium benzoate vượt ngưỡng cho phép.
Rất khó phát hiện nên dễ dẫn đến “không phát hiện”
Ông Sơn cho biết, chất tạo sáng quang học được phát hiện sử dụng gần đây trong sản xuất thực phẩm tại TP.HCM là tinopal CBS-X. Hóa chất này dùng trong công nghệ sản xuất giấy và bột giặt theo liều lượng cho phép là 0,1%. Hiện tinopal CBS-X đang được rao bán công khai trên mạng. Đây là chất bị cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm.
“Chúng tôi đã phát hiện tinopal CBS-X trong một số sản phẩm bún lấy ở Q.8 với 2.500mircogram/kg dựa trên phương pháp phân tích công thức mảnh ion bằng đầu dò cuối phổ (HPLC)”, ông Sơn nói.
Khi vào trong bún, tinopal bám rất chặt vào các sản phẩm chế biến từ gạo thông qua các tương tác lưỡng cực và liên kết hydrogen. Đặc biệt liên kết ion giữa nhóm sulfonate và nhóm ammonium trên protein trong gạo sẽ khiến không thể chiết tách theo cách thông thường. Cần phải loại bỏ các tương tác trên trước khi tách tinopal ra khỏi nền mẫu. Hiện chỉ có phương pháp HPLC đáp ứng được yêu cầu này. Theo ông Sơn, rất khó phát hiện được tinopal CBS-X trong bún với cách kiểm nghiệm như hiện nay và đây chính là lý do dẫn đến nhiều kết luận “không phát hiện”.
Ông Sơn cho biết thêm, trên thế giới chưa hề có tiền lệ cũng như kinh nghiệm nào trong việc phân tích để phát hiện ra tinopal trong bún hoặc thực phẩm.
Một số chất cấm khác cũng được tìm thấy trong sản phẩm từ gạo tại phòng thử nghiệm của ông Sơn. Trong đó có acid oxalic một chất khử, để giữ bún tươi lâu, không bị ôi. Tương tự là formaldehyde. Nhiều mẫu phát hiện chất bảo quản sodium benzoate vượt ngưỡng 1.000 mg/kg sản phẩm. Ông Sơn kết luận nhiều mẫu bún để lâu tại phòng thử nghiệm không hỏng, một phần là do sự hiện diện của chất này.
Các thông tin trên được công bố tại Hội nghị triển khai các quy định về an toàn thực phẩm đối với ngành nghề sản xuất, kinh doanh bún và bánh tươi trên địa bàn TP.HCM do Sở Y tế phối hợp với Sở Công thương tổ chức ngày 29.7.
Người có giấy phép đăng ký kinh doanh thiệt thòi
Phát biểu tại hội nghị, bà Lê Thị Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công thương - cho biết, bún tươi là trách nhiệm quản lý của sở. Hiện trên địa bàn TP.HCM có 201 cơ sở sản xuất bún và bánh tươi. Gần đây, các lực lượng chức năng của Sở Công thương đã tăng cường thanh kiểm tra đột xuất và ngẫu nhiên nhiều cơ sở. Đã xử phạt 17 trường hợp vi phạm an toàn lao động, an toàn thực phẩm tổng số tiền 235 triệu đồng. Đồng thời, đã tiến hành lấy 33 mẫu bánh tươi, bún tươi. Hiện đã có 19 mẫu âm tính với tinopal và một số chất cấm khác. Số còn lại đang chờ kết quả.
Tuy nhiên, con số 201 cơ sở sản xuất bún, bánh tươi mà bà Đào nêu chỉ là những cơ sở có đăng ký giấy phép kinh doanh.
Trao đổi với PV, đại diện các doanh nghiệp tại hội nghị cho biết số cơ sở chui, trái phép trên địa bàn thành phố có thể lên đến hàng ngàn địa điểm. Các kế hoạch thanh kiểm tra của sở ngành, hoặc UBND các quận huyện chỉ “đè cổ” các cơ sở sản xuất có đăng ký ra để kiểm tra. Việc này đã khiến không ít doanh nghiệp sản xuất có giấy phép bị ảnh hưởng. Trong khi đó, sai phạm phần lớn lại xảy ra ở các cơ sở không phép.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế TP.HCM - nếu làm tốt khâu ngâm gạo và phân tách nước, tạp chất ra khỏi mẻ gạo thì không cần dùng thêm bất cứ chất phụ gia nào để có thể làm cho bún giữ được lâu, không ôi, thiu.
Hội nghị cũng tuyệt nhiên không nhắc gì đến kết quả do Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam) công bố vào ngày 22.7 cho biết 80% mẫu bún khảo sát chứa tinopal. Trước hội nghị này, Sở Công thương và Sở Y tế cũng đã có cuộc họp phản bác kết quả trên vào ngày 25.7. Cho rằng việc lấy mẫu của trung tâm là hoàn toàn không đúng quy trình.