Ngày Tết, nhiều trẻ bị hóc nguy hiểm tính mạng

Google News

Trong khay bánh kẹo ngày tết thường có các món hạt để nhấm nháp tí tách cho vui như hạt dưa, hạt bí, hạt điều, mứt… Đối với trẻ nhỏ, những loại hạt này có nguy cơ gây hóc rất cao.

Thống kê nhiều năm của các bệnh viện cho thấy, tỷ lệ trẻ bị sặc, hóc các loại hạt nhiều nhất thường rơi vào trẻ ở lứa tuổi mới tập bò hoặc đang tập đi chập chững. 

Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng-Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hóc các loại hạt là tai nạn trẻ thường gặp phải, đặc biệt trong những ngày Tết. Trẻ nhỏ khi bị hóc, sặc, các loại hạt trên thì nguy cơ hạt đó rơi vào đường thở rất cao, thậm chí rơi vào phổi trẻ. Nhiều trường hợp trẻ không được sơ cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong.

Ngày Tết, nhà nào cũng mua không ít thì nhiều những loại hạt trên để tiếp khách, vỏ hạt thường vương vãi khắp nhà. Trẻ thường bị hấp dẫn bởi những màu xanh, đỏ và những vật nhỏ mà tay bé có thể cầm dễ dàng. Việc bé nhặt các vỏ hạt rồi bắt chước người lớn cho vào miệng cũng là điều dễ hiểu.

Chị Nga ở Ba Đình, Hà Nội đến giờ vẫn còn sợ khi nhắc đến cụm từ “hạt hướng dương”. Bởi giữa mùng hai tết năm ngoái hai vợ chồng chị đã phải đưa con vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì bé bị hóc hạt hướng dương khiến tím tái hết cả mặt.

Theo chị Nga, bé nhà chị rất hiếu động, do mải tiếp khách nên trong một phút lơ đễnh, bé Hoàng (14 tháng tuổi) đang bò lổm ngổm dưới đất và nhặt được một mảnh hạt hướng dương dưới đất, sau đó bé cho vào miệng rồi nuốt.

Đến khi bé khóc thét lên, người tím tái chị và cả gia đình mới cuống hết cả lên không biết vì sao. Qua nhiều lần chiếu chụp các bác sỹ xác định bé bị hóc dị vật và gắp ra được một mảnh hạt hướng dương trong cổ họng bé. Sau vụ đó chị Nga cho biết cả nhà cũng sẽ cạch hạt hướng dương luôn.
 Khi trẻ bị hóc dị vật, người nhà cần sơ cứu đúng cách. (Ảnh: TTXVN)

Cần sơ cứu đúng cách

Mỗi dịp Tết đến, có rất nhiều phụ huynh lo bé bị hóc hạt dưa, hạt bí mà lại không biết cách xử lý thế nào. 

Để phòng ngừa và sơ cứu kịp thời cho trẻ, giáo sư Dũng phân tích, các bậc phụ huynh nên cần cân nhắc khi cho trẻ ăn các loại hạt, không nên cho trẻ nhỏ ăn. 

“Theo tôi, về tuổi thì không ai quy định, nhưng qua quan sát và kinh nghiệm của tôi để bé ăn được hạt bí thì phải từ 10 tuổi trở lên. Bởi khi bé lớn mới ý thức rõ được vấn đề hóc và sẽ lưu ý để nhằn vỏ ra. Còn đối với trường hợp trẻ ba tuổi mới có vài cái răng thì người nhà không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại hạt đó, vì trẻ con thường bắt chước người lớn rất nhanh, ” ông Dũng phân tích.

Bác sỹ Dũng nhấn mạnh, hóc hạt hướng dương rất nguy hiểm, cái lông của hạt hướng dương có tinh dầu rất dễ gây viêm phổi. Bên cạnh đó, về phần dinh dưỡng, các loại hạt trên không có nhiều chất dinh dưỡng.

Nếu trẻ thích ăn loại hạt này, bác sỹ Dũng khuyến cáo chỉ nên cho trẻ từ 10 tuổi trở lên ăn. Đặc biệt các bậc phụ huynh, khi gặp tình huống bé sặc thức ăn mà có những biểu hiện ngừng ăn, ho sặc sụa, tím tái thì lập tức phải cấp cứu ngay tại chỗ. 

Với những em bé đang tuổi bú, được mẹ cho ăn bột, ăn cháo khi bé bị sặc thì cần cho bé nằm sấp xuống trên tay, sau đó vỗ 5 cái vào lưng để trẻ ho bật ra. Trong trường hợp này khi trẻ nôn ọe ra hết thì càng tốt. 

Đối với trẻ từ 4, 5,6 tuổi thì các bậc phụ huynh có thể cho trẻ nằm úp bụng trên hai đùi và vỗ vào lưng 5 cái. Còn đối với trẻ khoảng 14-15 tuổi khi bị hóc thì phụ huynh nên bế, ôm trẻ vào người, lấy hai bàn tay quấn quanh bụng và ấn tay, sốc phần bụng lên 5 cái để cho trẻ ho bật. Phụ huynh khi nhìn thấy trẻ ho, bật dị vật hay bay hết thức ăn ra rồi thì thôi. Khi thấy trẻ thở được, hồng hào trở lại thì bắt đầu mới bế đi bệnh viện.

Ông Dũng nhấn mạnh, đối với trẻ bị hóc dị vật thì khâu cấp cứu tại chỗ rất quan trọng cần được làm ngay sau đó mới đưa đi bệnh viện. Người nhà cần tránh trường hợp khi thấy bé bị hóc, mặt tím tái không tiến hành sơ cứu ngay mà tức tốc bế đi bệnh viện thì nguy cơ tử vong của trẻ rất lớn.
Theo TXVN

Bình luận(0)