Sản xuất bún bằng hóa chất chế biến gỗ
Trong hội nghị triển khai các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh bún và bánh tươi trên địa bàn tổ chức mới đây, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, gần đây một số cơ sở sản xuất bún, bánh canh, bánh ướt lạm dụng hóa chất đã bị phát hiện.
ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM: Quan trọng là cơ quan chức năng có duy trì được thường xuyên và có biện pháp chế tài đủ mạnh không, còn chờ đợi sự "giác ngộ" của người sản xuất là điều không thể.
Tinopal là hóa chất công nghiệp không được phép sử dụng trong thực phẩm. Tinopal được Mỹ xếp vào danh mục các hóa chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm, nó được dụng trong sản xuất giấy, vải... Còn axit oxalic dùng trong công nghiệp chế biến gỗ, lạm dụng chất này có thể gây tử vong. Do vậy, việc sử dụng hai chất trên để sản xuất bún, bánh là không thể chấp nhận, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TPHCM cho hay, Công ty Sắc ký Hải Đăng bắt đầu kiểm nghiệm hóa chất Tinopal từ cuối tháng 6 vừa qua. Qua một tháng kiểm nghiệm cho thấy, Tinopal là chuỗi khá nhiều chất. Tinopal nhằm làm tăng độ trắng (nó không phải là chất tẩy trắng), mà là làm tăng độ sáng quang học. Chất này được rao bán trên mạng, chủ yếu dùng trong công nghiệp sản xuất bột giấy, bột giặt. Tất cả các loại chất huỳnh quang tăng sáng là dùng trong công nghiệp, không được dùng trong thực phẩm vì chúng bám rất chặt vào sản phẩm, khó phát hiện. Chỉ có Việt Nam mới sử dụng Tinopal trong sản xuất các sản phẩm từ bột, chứ nước ngoài không ai sử dụng. Acid oxalic gây sạn thận, người làm bún dùng chất này để giữ cho sản phẩm lâu ôi thiu.
|
Tinopal có trong bún làm tăng độ trắng, độ sáng quang học. |
Có kiểm soát được thường xuyên?
Bà Lê Thị Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM chia sẻ: Quản lý kinh doanh bún tươi là trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương. Sở đã xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra quyết liệt và sẽ công bố các cơ sở sản xuất có sử dụng phụ gia độc hại. Các cơ quan chức năng đã bắt buộc các cơ sở sản xuất bún, bánh tươi phải ký cam kết không được dùng hóa chất, phụ gia độc hại và khuyến khích các cơ sở sử dụng bao bì mẫu mã trên sản phẩm. Thực hiện từ siêu thị đến các chợ, ban quản lý chợ phải ký cam kết về vấn đề này.
ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM cho biết, nếu các cơ sở tuân thủ đúng quy trình sản xuất thì không cần phải sử dụng hóa chất phụ gia. Nhiều người cho rằng, vấn đề không phải là không thể kiểm soát được mà quan trọng là cơ quan chức năng có duy trì được thường xuyên và có biện pháp chế tài đủ mạnh không, còn chờ đợi sự "giác ngộ" của người sản xuất là điều không thể.
Một dạo, báo chí rộ lên chuyện phở có formol vượt mức cho phép, người dân hoang mang, các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc, một thời gian lại trở về bình lặng. Lần này lại bún có hóa chất độc hại, cơ quan chức năng rất tích cực ngăn chặn nhưng người tiêu dùng băn khoăn: Liệu có lặp lại kịch bản cũ?
Sở Công Thương TPHCM đã phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra 201 cơ sở sản xuất bún, bánh tươi tại thành phố. Lập biên bản xử phạt 17 cơ sở, với hơn 235 triệu đồng. Lấy 33 mẫu bún tươi, bánh, có 19 mẫu âm tính, còn lại đang chờ kết quả và sẽ công bố với cơ quan truyền thông.