Army Recognition đưa tin cho hay, trong buổi hội đàm giữa Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin tại thủ đô Belgrade của Serbia vào hôm 11/1. Belgrade đã bày tỏ ý định tăng cường hơn nữa các chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự với Moscow trong thời gian sắp tới.
Cũng trong hôm 11/1, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Bratislav Gasic cũng đã có cuộc họp với Phó giám đốc cơ quan hợp tác kỹ thuật quân sự Nga Andrey Boytsov và cũng là đại diện của Ủy ban liên chính phủ Serbia-Nga về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Tại cuộc họp của ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự, hai bên đã thảo luận về đề xuất trang bị cho lực lượng vũ trang Serbia các loại vũ khí và thiết bị quân sự do Nga chế tạo. Cũng như nâng cao năng lực vận hành các loại máy bay chiến đấu và tổ hợp phòng không do Liên Xô chế tạo trước đây đang được Quân đội Serbia sử dụng và cuối cùng là đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển chương trình hợp tác quân sự giữa các công ty quốc phòng của hai nước.
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Serbia Tomislav Nikolic trong một chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Belgrade.
|
Một động thái có liên quan là trong buổi phát biểu gần đây, Tổng thống Serbia Nikolic cho biết rằng, ông cảm thấy khá ngạc nhiên khi quốc gia láng giềng Croatia đang đàm phán mua các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo từ Na Uy. Theo các chuyên gia phân tích đánh giá động thái này của Croatia có thể sẽ làm thay đổi mối quan hệ giữa Belgrade và Moscow.
Theo văn phòng báo chí của Tổng thống Serbia cho biết, Phó Thủ tướng Nga Rogozin đã đảm bảo với Tổng thống Serbia Nikolic rằng Moscow đang tiến hành nghiên cứu và đưa ra các lựa chọn phù hợp với Serbia trong một số chương trình hợp tác quân sự chung giữa hai nước. Bên cạnh đó Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng rất xem trọng việc phát triển hơn mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Serbia trên mọi lĩnh vực.
Cũng trong một buổi họp báo tại Belgrade Phó Thủ tướng Nga cho hay, Moscow sẵn sàng hổ trợ trực tiếp các quốc gia đồng minh tại Bán đảo Balkan nhất là trong các hợp đồng xuất khẩu vũ khí kể cả khi họ muốn mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 từ Nga.
Serbia và Croatia (một thành viên khối quân sự NATO) từ lâu đã có mối quan hệ khá phức tạp, và gần đây căng thẳng giữa hai nước một lần nữa lại bùng lên khi Croatia lên kế hoạch sở hữu các tên lửa tấn công tầm xa đủ khả năng tấn công Serbia.
|
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300PMU2 có thể sẽ là cầu nối cho mối quan hệ giữa Nga và Serbia.
|
S-300 là tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa được phát triển từ thời Liên Xô và hiện tại được công ty quốc phòng Almaz-Antey của Nga sản xuất.
Các tổ hợp phòng không S-300 đầu tiên được Liên Xô triển khai từ năm 1979 và nó được thiết kế để bảo vệ các cở sở hạ tầng quan trọng cho mục đích dân sự lẫn quân sự trước các đợt không kích của đối phương.
Biến thể mới nhất của tên lửa S-300 hiện nay là S-300PMU2 (định danh NATO SA-20B Gargoyle B) với tầm bắn hiệu quả lên tới 195km và được trang bị đạn tên lửa đất đối không 48N6E2. Nó có thể dễ dàng đánh chặn mọi mục tiêu bay ở độ cao từ 10m đến 27.000m kể cả tên lửa đạn đạo hay tên lửa hành trình.