Nga phạm sai lầm khủng khiếp nếu bán T-14 Armata cho TQ

Google News

(Kiến Thức) - Nếu như Trung Quốc mua được xe tăng T-14 Armata, đấy sẽ là sai lầm khủng khiếp nhất của Nga khi mà Trung Quốc chắc chắn sẽ sao chép loại tăng này.

Thông tin Trung Quốc mua xe tăng T-14 Armata của Nga đã được loan tin trong nhiều ngày nay. Mới đây nhất, quan chức cao cấp cạnh Tổng thống Nga tiếp tục xác nhận điều này.
Tờ Wantchinatimes ngày 9/6 dẫn lại lời Vladimir Kozhin, trợ lý Tổng thống Nga phụ trách hợp tác kỹ thuật quân sự quốc tế của nước này cho biết, Bắc Kinh đã bày tỏ sự quan tâm mua xe tăng T-14 Armata do Nhà máy Ural chế tạo.
Cuộc trình diễn đầu tiên của T-14 được thể hiện trong suốt cuộc duyệt binh quân sự vào tháng trước ở Moscow để kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Đức. Tờ báo Nga Izvestia tiết lộ, đã có rất nhiều khách hàng muốn mua các hệ thống vũ khí mới của Nga, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và quốc gia Đông Nam Á. Tất cả đều bày tỏ sự quan tâm tới việc mua xe tăng T-14.
Nga pham sai lam khung khiep neu ban T-14 Armata cho TQ
Siêu tăng T-14 Armata đang là vũ khí khao khát của Trung Quốc.
Được trang bị tháp pháo điều khiển từ xa không người lái, kíp chiến đấu của xe tăng T-14 gồm 3 người được bảo vệ ở trong khoang giáp đa lớp nằm tách với khoang đạn. Cho nên trong trường hợp kho đạn bị phát nổ, khả năng sống sót của kíp chiến đấu vẫn rất cao. 
Xe tăng này được điều khiển từ xa và máy tính hóa hoàn toàn qua hệ thống camera chụp video có độ phân giải cao. Trong khi pháo thuộc loại nòng trơn mới 2A82-1M cỡ 125 mm.
Tờ Wantchinatimes cho rằng, không giống như các xe tăng Nga trước đây, T-14 có nhiều tính năng tương đồng với các xe tăng chiến đấu chủ lực của phương Tây như loại M1A2 Mỹ và Leopard-2 Đức. Trung Quốc muốn có T-14 của Nga nhằm để tăng khả năng chiến đấu của lục quân. 
Đồng thời dường như Trung Quốc muốn phát triển và sản xuất các xe tăng nội địa dựa trên T-14 Armata. Điều đó cũng giống như trường hợp chỉ từ một xe tăng T-72 mua từ Romania, Trung Quốc đã có thể thiết kế loại xe tăng Type 99, đang được quân đội nước này sử dụng.
Văn Biên

Bình luận(0)