Bệnh nhân nam Võ Minh V, (49 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng) được chuyển đến Bệnh viện ĐHYD TP.HCM vì trước đó siêu âm bụng phát hiện túi phình động mạch.
Anh V. cho biết bị đau bụng trên vùng rốn kéo dài suốt mấy tháng, đi khám ở một số bệnh viện được chẩn đoán và điều trị theo hướng viêm loét dạ dày nhưng không hiệu quả. Sau khi về nhà, tình cờ sờ tay vào bụng, bệnh nhân cảm nhận có một khối phồng to bằng quả chanh, đập mạnh theo nhịp tim nên đi siêu âm bụng và phát hiện túi phình mạch máu.
|
ThS.BS Trần Minh Bảo Luân, đơn vị phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đang khám cho bệnh nhân Võ Minh V. |
ThS.BS Lê Thanh Phong, Trưởng Đơn vị phẫu thuật mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, sau khi bệnh nhân nhập viện, qua thăm khám và các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy, bệnh nhân bị phình động mạch thân tạng, túi phình có đường kính lớn nhất khoảng 30 mm và nguy cơ vỡ túi phình vào trong ổ bụng rất cao.
Sau hội chẩn, phương pháp điều trị ưu tiên được đưa ra là phẫu thuật. Tuy nhiên, do sự phức tạp của cuộc mổ, có đến 35% trường hợp được điều trị bằng cách chỉ cột túi phình và chấp nhận nguy cơ thiếu máu tạng (gan, lách,..) có thể xảy ra và khi đó bắt buộc phải phẫu thuật cắt lách cho bệnh nhân.
Trái lại, trong trường hợp này, ngoài việc cắt bỏ túi phình, các bác sĩ còn tái tạo lại tất cả các nhánh mạch máu chính, đảm bảo việc cung cấp máu tối ưu cho các cơ quan.
ThS.BS Thanh Phong cho biết thêm, phình động mạch thân tạng là một bệnh rất hiếm gặp.
Động mạch thân tạng có đường kính trung bình khoảng 6-8 mm là động mạch cung cấp máu nuôi gan, lách, tuyến tụy và một phần ống tiêu hóa. Khi phình, động mạch thân tạng giãn to trên 1,5 lần so với bình thường. Đây là bệnh rất nguy hiểm vì ngay cả với những túi phình kích thước nhỏ thì nguy cơ vỡ cũng rất cao và khi vỡ thì tỉ lệ tử vong gần 100% do bị chảy máu ồ ạt.
Nguyên nhân chính của bệnh phình động mạch thường do xơ vữa mạch hoặc do thoái quá thành mạch.
Hai cách đơn giản giúp phát hiện sớm túi phình động mạch thân tạng nói riêng và phình động mạch khác trong bụng nói chung là siêu âm bụng hoặc người bệnh tự sờ nắm bụng có thể phát hiện một khối phình đập theo nhịp tim.
ThS.BS Thanh Phong khuyến cáo, những người trên 60 tuổi có tiền sử hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường, từng mắc bệnh về mạch máu hoặc gia đình có người bị bệnh về động mạch nên làm siêu âm bụng để giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, chính xác ở các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật mạch máu.
Sau phẫu thuật, anh V. đã hết đau bụng, sức khỏe dần dần bình phục, kết quả kiểm tra cho thấy các mạch máu đã được tái tạo và cung cấp tốt cho các cơ quan trong ổ bụng.
Hiện bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, tuy nhiên, do thể trạng của bệnh nhân bị suy kiệt do bệnh nhân đang điều trị bệnh lao cột sống 6 tháng nên các BS đang cho điều trị nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân như truyền đạm, thuốc,…
Dự kiến, ngày 24/7 bệnh nhân V. sẽ xuất viện và tái khám sau 1 tháng.