Tạp chí Jane's Defence Weekly cho hay, Không quân Hy Lạp (HAF) vào ngày 17/10 đã tổ chức buổi lễ "tiễn biệt" những chiếc máy bay chiến đấu A-7 Corsair II tại căn cứ không quân Araxos - nhà của phi đội chiến đấu 116.
Kể từ thời điểm ngày 17/10, 15 chiếc A-7E và 2 chiếc TA-7C (biến thể huấn luyện 2 chỗ ngồi) thuộc phi đội 336, Không quân Hy Lạp sẽ ra khỏi biên chế Không quân Hy Lạp. Cuối cùng, sau 47 năm hoạt động tích cực, mẫu máy bay cường kích hạng nhẹ A-7 do Mỹ sản xuất đã chính thức biến mất khỏi bầu trời.
|
Máy bay cường kích A-7E của Không quân Hy Lạp.
|
Không quân Hy Lạp đã mua 60 chiếc A-7H và 5 TA-7H từ Mỹ trong giai đoạn 1975-1980 và 50 A-7E, 18 TA-7C từ kho dự trữ Hải quân Mỹ sau Chiến tranh vùng Vịnh lần 1 năm 1991, nhận bàn giao trong giai đoạn 1993-1994. Tổng cộng phi đội A-7 của Hy Lạp là 133 chiếc - lớn nhất trong các khách hàng quốc tế dùng loại máy bay này. Ngoài Hy Lạp, A-7 còn được xuất khẩu tới Bồ Đào Nha và Thái Lan.
A-7 Corsair II là thiết kế máy bay cường kích hạng nhẹ tốc độ bay cận âm do công ty Ling-Temco-Vought sản xuất từ năm 1967-1984 cho Không quân và Không quân Hải quân Mỹ (đã nghỉ hưu từ năm 1991-1993). Thời điểm nó ra đời, đây là một trong những máy bay đầu tiên được trang bị các màn hình HUD, hệ thống định vị quán tính INS và
động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy.
Dù được xếp vào loạt cường kích hạng nhẹ nhưng khả năng mang vác vũ khí của A-7 Corsair II là khá đáng nể với 6,8 tấn trên 8 giá treo cho phép mang
tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9, tên lửa chống radar AGM-45 Shrike hay AGM-88 Harm, tên lửa không đối đất AGM-65, bom thông thường/bom có điều khiển và thậm chí là cả bom hạt nhân.