Không muốn mang thai hộ vì… vợ không cho
Anh Lê Quang Liêm (Hà Đông – Hà Nội) chia sẻ: “Chúng tôi lấy nhau 8 năm nhưng chưa có con, đã có lần tôi đề cập đến việc nhờ chính em gái vợ mang thai hộ, nhưng vợ tôi nhất quyết phản đồi và cho tôi hai sự lựa chọn, một là chọn con nuôi, hai là ly dị. Tuy nhiên, đi khám vài chỗ các bác sĩ cho biết vợ tôi vẫn có hy vọng được làm mẹ, nên chúng tôi cố gắng chạy chữa”.
Anh Hoàng Văn Thái (44 tuổi, quê Bắc Giang), lấy vợ đã 14 năm nhưng hiện giờ vẫn chưa có con, mặc dù đã chữa bằng nhiều cách, gặp nhiều thầy nhưng tình hình vẫn chẳng có gì thay đổi. Anh Thái chia sẻ: “Nếu có thể nhờ người khác mang thai hộ, kể cả là phải trả thù lao cao cho họ tôi cũng đồng ý ngày. Nhưng vấn đề là ở chỗ vợ tôi, liệu vợ tôi có đồng ý hay không?”.
Đa số những cặp vô sinh, hiếm muộn hiện nay sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức và thời gian để được tự sinh ra đứa con của chính mình. Theo nhiều người, họ không đồng tình cách mang thai hộ bởi đây là cách làm quá rủi ro. Người mang thai hộ rất dễ xảy ra tranh chấp đứa con sau khi sinh ra, hoặc làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của họ và đứa con. Một nguy cơ nữa khiến nhiều chị em không đồng tình là sợ người chồng “dính líu” đến người phụ nữ đã mang thai hộ.
Chị Thanh Nhàn (Gia Lâm – Hà Nội) cho biết: “Tôi nhất quyết phản đối chuyện này, dù tôi không đẻ được nhưng cũng nhất quyết không để cho chồng đi làm “chuyện ấy” với người khác. Mang thai hộ khác nào đi xin con, vậy thì vào bệnh viện xin trẻ về nuôi cũng được chứ sao?”.
Luật nên lường trước hậu quả của mang thai hộ
Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng Khoa sản, Trung tâm y tế Thái Hà (Hà Nội) cho biết, đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và có những yếu tố không thể lường trước được nên người đi nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai phải có sự thống nhất để tránh những hậu họa xảy ra.
Trong vấn đề này tâm lý người vợ là quan trọng nhất, bởi có nhiều trường hợp người chồng muốn có con, muốn nhờ người khác mang thai hộ nhưng người vợ lại không đồng ý vì lòng tự trọng, vì sự ích kỷ của bản thân… nên muốn gia đình không tan vỡ thì sự đồng thuận của hai vợ chồng là quan trọng nhất.
Ngoài ra, nếu pháp luật cho phép mang thai hộ thì cần phải có những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh những trường hợp như tranh chấp, buôn bán hoặc lợi dụng việc cho phép mang thai hộ để sinh con thứ 3, thứ 4 …
Theo ông Lê Hữu Thể, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thực tế hiện nay đã xuất hiện các vụ việc mang thai hộ và có xu hướng tăng lên. Vì pháp luật chưa điều chỉnh vấn đề này nên còn mang tính tự phát, quyền lợi của đứa trẻ trong quan hệ mang thai hộ không được pháp luật bảo vệ. Quyền và nghĩa vụ của các bên mang thai hộ cũng không được đảm bảo do không có cơ sở pháp lý để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.
Vì vậy, cần bổ sung quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại vào Luật hôn nhân gia đình.
Tuy nhiên, trong quá trình mang thai hộ sẽ rất khó để xác định một quan hệ mang thai hộ là có mục đích nhân đạo hay thương mại. Vì vậy cần quy định cụ thể những trường hợp mang thai hộ ngay trong luật, chẳng hạn như vợ chồng hợp pháp không thể sinh con theo cách tự nhiên vì sức khỏe của người vợ không đảm bảo thì có thể tiến hành thụ tinh nhân tạo rồi nhờ người khác mang thai hộ.
Ngoài ra, cần quy định chặt chẽ những vấn đề liên quan như điều kiện với người nhờ mang thai hộ (có sự đồng ý của cả vợ và chồng, có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền về việc người vợ không đủ điều kiện sức khỏe để mang thai…), điều kiện đối với người mang thai hộ (có xác nhận của cơ quan y tế là có đủ sức khỏe để mang thai, được sự đồng ý của chồng nếu đã có gia đình), quyền và trách nhiệm của các bên với đứa trẻ khi chưa sinh hoặc sau khi sinh ra...
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU