Thời tiết nóng ẩm, thất thường của đợt giao mùa đang khiến các loại siêu vi trùng phát triển mạnh. Cùng với đó là nhiệt độ chênh lệch giữa đêm và ngày lớn, nên các bệnh viêm đường hô hấp như: Cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... có cơ hội bùng phát.
Theo khảo sát của Kiến Thức, tình trạng quá tải xảy ra ở hầu khắp các bệnh viện nhi vì lượng bệnh nhi nhập viện quá đông.
Tại Bệnh viện Nhi TƯ trong tuần qua, trung bình lượng trẻ tới khám và nhập viện tăng nhiều lần so với trước đây. Có những ngày viện tiếp nhập khám và chữa cho trên 3.000 trẻ bị nhiễm bệnh. Trong khi trước đó mỗi ngày chỉ có khoảng 1.500 - 1.800 bệnh nhân tới khám bệnh.
Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, trung bình mỗi ngày tiếp nhận trên 300 lượt bệnh nhi đến khám và điều trị nội trú, tăng khoảng 15% so với ngày thường.
|
Bệnh viện nhi đông nghẹt người chờ đợi lấy số khám bệnh |
Trao đổi với Kiến Thức, chị Phạm Thanh Huyền ở Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội có con nhỏ 6 tháng tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi TƯ cho biết: “Từ ngày trời bắt đầu chuyển mùa nóng rồi cả lạnh thất thường là bé nhà tôi bắt đầu đi viện vì viêm phổi, lần này con nhập viện vì tái phát đến lần thứ 3 rồi. Hai lần trước mẹ con bồng bế nhau lên ở trên viện gần tháng trời mới về nhà tưởng dứt hẳn nhưng được hơn 1 tuần con lại tái bệnh".
Theo chị Huyền, thời điểm này các bé đi lớp 1-2 ốm rất nhiều do lây bệnh ở trường học. "Đi khám xếp hàng cả nửa ngày vẫn chưa đến lượt, phòng bệnh lúc nào cũng kín người, 1 giường 2-3 người nằm chung là chuyện bình thường”, chị Huyền nói.
Còn chị Phạm Thúy Hiền ở Tôn Thất Tùng, mẹ bé 7 tháng tuổi, cho biết: “Bé bị tiêu chảy liên tục trong 3 ngày liền, tôi đưa con tới viện xếp hàng từ 7h30 mà mãi tới gần 11 giờ mới được khám. Con tôi bị ho, sốt, khò khè và đi ngoài liên tục nên đã mua thuốc kháng sinh điều trị tại nhà gần một tuần nhưng thấy bệnh con không giảm mà càng nặng thêm. Nay mới đưa con đến viện cấp cứu, thì con đã viêm phế quản cấp và bị tiêu chảy”.
Trước nguy cơ các loại bệnh giao mùa bùng phát ở trẻ nhỏ, GS. TS Nguyễn Thanh Liêm nguyên GĐ Bệnh viện Nhi Trung Ương chia sẻ: “Khi trẻ có dấu hiệu bệnh thì các ông bố bà mẹ nên đưa trẻ tới bệnh viện, cơ sở Y tế chuyên khoa khám để có phác đồ điều trị phù hợp, tránh tự ý mua các loại kháng sinh về tự cho trẻ uống mà phải cho trẻ dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để tránh gây nguy hại đến trẻ.
Đặc biệt tránh tình trạng để bệnh tái phát lần 2, 3 sẽ nặng hơn phức tạp hơn và có thể gây nguy hại tới sức khỏe, và tính mạng của trẻ,
Hơn nữa vào thời điểm giao mùa
thời tiết độc hại nên nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh ở trẻ em. Các bậc cha mẹ cần phòng chống trước nguy cơ lây nhiễm cho con mình. Cách tốt nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ thân nhiệt ổn định, tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với không khí nóng, lạnh đột ngột. Ngoài ra, trong chế độ ăn uống, cha mẹ cần cung cấp đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng của trẻ”.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU