“Lá chắn tên lửa” PAC-2 Hàn Quốc tê liệt 132 ngày

Google News

(Kiến Thức) - Một hệ thống tên lửa phòng không – phòng thủ tên lửa PAC-2 của Hàn Quốc đã ngừng hoạt động 132 ngày giữa thời điểm căng thẳng leo cao với Triều Tiên.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, một hệ thống phòng không – phòng thủ tên lửa Patriot PAC-2 của Hàn Quốc đã phải ngừng hoạt động 132 ngày trong năm 2012 khi quân đội nước này không sửa được một bộ phận lỗi vì hệ thống hậu cần không hiệu quả.
Theo báo cáo được gửi lên dân biểu Baek Gun-ki của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, hệ thống PAC-2 được nhập khẩu từ Đức đã ngừng hoạt động từ ngày 3/8/2012-17/7/2013 khi hệ thống này không phát hiện được mục tiêu vì trục trặc trong hệ thống radar. Không quân Hàn Quốc đã gửi tên lửa tới Mỹ để sửa chữa khi họ không thể mua được những linh kiện trong nước trong khoảng thời gian cần thiết.
“Có 4 trạm tên lửa đã không thể thực hiện nhiệm vụ trong 1 tháng khi họ không thể nhận được những phần linh kiện trong khoảng thời gian cần thiết”, ông Baek cho hay.
 Việc hệ thống PAC-2 ngừng hoạt động trong thời gian căng thẳng tăng cao giữa 2 miền là vấn đề hết sức nghiêm trọng đối với Hàn Quốc.
Quân đội Hàn Quốc đang vận hành 48 bệ phóng tên lửa PAC-2 được nhập khẩu từ Đức với tỉ lệ đánh chặn gần 40%. Hàn Quốc đang có kế hoạch nâng cấp PAC-2 lên chuẩn mới nâng cao tính chiến đấu.
Quá trình sửa chữa kéo dài sẽ là vấn đề nghiêm trọng khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Hàn Quốc và Mỹ sau khi 2 nước này tập trận chung hồi đầu năm 2013.
Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo các loại với phần nhiều trong số này chỉ có thể tấn công Hàn Quốc. Một số ít có khả năng tấn công Nhật và các căn cứ Mỹ.
Ông Baek đề nghị Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cần thiết lập hệ thống cung ứng hiệu quả cho quân đội như hệ thống Trao đổi Thông tin Chính phủ - ngành Công nghiệp (GIDEP) của Mỹ cho phép chính phủ và các công ty chia sẻ thông tin về các bộ phận đã lỗi thời.
“Lầu Năm Góc đã vận hành cơ sở dữ liệu chia sẻ giữa Chính phủ và các công ty GIDEP để đối phá với các thành phần lỗi thời”, ông Baek cho hay. “Hàn Quốc cũng cần thành lập những hệ thống như vậy”.
Cả chính phủ và các công ty tham gia GIDEP như một cách để giảm chi phí nhờ việc chia sẻ thông tin kỹ thuật. Từ năm 1959, Lầu Năm Góc đã tiết kiệm được 2,1 tỷ USD nhờ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiếu trong việc mua sắm và sửa chữa các thiết bị quân sự.
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)