Kỳ quái những kẻ nghiện... tự tử

Google News

(Kiến Thức)- Vì những áp lực tâm lý, áp lực cuộc sống hoặc lý do bệnh tật ngày càng có nhiều người tự tìm đến cái chết như một cách tự giải thoát cho bản thân, thậm chí nhiều người còn rủ nhau tự tử tập thể. 

Cứ nghĩ đến tự tử là... sướng (!?)

"Có lần em dùng dao cắt tay nhưng được cứu sống, được một vài tháng sau đó em lại có khao khát muốn tự tử tiếp và lại tự tử...".

Đó là tâm sự của bệnh nhân Nguyễn Thanh Mai, 19 tuổi, TP Hòa Bình, Hòa Bình sau lần thứ 3 tự tử bất thành và được cứu sống.

 

Mai cho biết: "Trước đây thì bình thường nhưng thời gian em học lớp 7, sau khi bị bố mẹ đánh và đuổi khỏi nhà do em thi trượt vào đội tuyển học sinh giỏi và có bạn trai, em đã có ý nghĩ và một thôi thúc trong đầu là muốn chết, phải tự tử. Sau đấy một thời gian thì ý muốn này càng mạnh mẽ hơn em đã mua thuốc sâu về uống.

Nhưng điều lạ là lúc thuốc bắt đầu có tác dụng, cơ thể thấy  choáng váng mất tỉnh táo thì em lại thấy sợ chết vô cùng, không muốn chết nữa và đã vùng chạy ra ngoài gọi bố mẹ. Sau đó mọi người đã đưa em đi cấp cứu. 

Em cứ tưởng sau lần đó thì em không muốn chết nữa, nhưng được khoảng gần 2 tháng thì ham muốn tự tử lại trỗi dậy. Lần này trong đầu em luôn có một giọng nói khuyên em chết đi và em lại lấy dao lam cắt vào mạch máu ở cổ tay nhưng gia đình em lại phát hiện ra và cứu được...

Tính từ đó đến nay em đã tự tử đến 4 lần, lần nào cũng vậy sau khi được cứu sống, chữa trị một thời gian thì lại có giọng nói khuyên em tự tử, khi thì cắt tay, khi thì bảo lao vào xe ôtô, khi thì bảo uống thuốc sâu, lúc thì bảo nhảy sông... nhưng lần nào cũng vậy cứ đến lúc gần chết em lại sợ, không muốn chết nữa"...

Giống tình trạng của Mai, Bình 28 tuổi, hiện đang làm ở một ngân hàng lớn ở Hà Nội, tâm sự: "Từ nhỏ là em đã thấy mình khác với bình thường. Em liều mạng từ nhỏ. Em còn nhớ hồi đó cứ thấy hố là nhảy, xuống cầu thang không đi bình thường toàn đu xuống, leo trèo mọi lúc có thể, thấy hố là nhảy qua, bị ngã miệng chảy máu đầm đìa mà vẫn đứng dậy nhai mía bình thường, bị bạn đập đầu chảy máu mà vẫn cười... 

Đến khoảng năm 13 tuổi em luôn nghĩ mình chết sớm, mình chỉ sống đến 30 tuổi thôi rồi chết. Và từ đó đến nay em đã tự tử tới 4 lần: Một lần uống 60 viên lexomil, lần 2 uống 90 viên lexomil nhưng đều không chết vì em mua nhằm thuốc giả, lần 3 em tự siết cổ nhưng được nửa chừng thì ngưng lại, lần thứ tư thì em uống sertralin nhưng không chết... 

Hiện nay em vẫn muốn chết, ý muốn chết rất mạnh, khi thực hiện hành động tự tử em không có buồn gì hết, chỉ có một ý muốn mãnh liệt là muốn chết thôi, khi uống thuốc xong nằm xuống cảm giác rất vui, hồi hộp, hân hoan... khi nghĩ mình sắp chết".

Đau xót cho người ở lại

Không được may mắn như Hương và Bình nhiều bạn trẻ vì nhiều nguyên nhân đã chọn cách tự giải thoát cho bản thân bằng những cái chết rất thương tâm.

Vụ việc xảy ra dù không còn mới nhưng có lẽ khiến những người làm cha, làm mẹ không thôi ám ảnh, xót xa là việc 5 em nữ sinh lớp 7 ở tỉnh Hải Dương cùng nhau tự tử. Nguyên nhân chỉ vì các em bị bố mẹ rầy la, mắng mỏ nên cảm thấy chán cuộc sống. Với những tâm tư, tình cảm của tuổi mới lớn, các em không thể giải tỏa được mà chia sẻ với nhau và cùng thống nhất tìm đến cái chết tập thể để giải thoát bản thân mình.

Trường hợp chị V.T.T. 32 tuổi, ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM bị trầm cảm. Chị có chồng và một con, đang sống cùng mẹ chồng, dì, hai đứa cháu chồng trong ngôi nhà rất chật chội. Chồng không quan tâm gì, mình chị phải gánh hết, quá tải nên muốn chết. Bác sĩ hết lời khuyên chị phải sống vì con còn quá nhỏ. Cho thuốc trầm cảm về chị không uống và vẫn đi làm. Mấy tháng sau chị lén dùng dao lam rạch cổ tay cho máu chảy đến chết... 

Gần đây nhất là vụ một cô giáo ở Đăk Lăk đầu độc con gái 5 tuổi rồi tự vẫn, để lại đau đớn cho người thân và cậu con trai 12 tuổi, hay vụ tự tử chưa rõ nguyên nhân của một cô gái trẻ ở hồ ĐH Y Hà Nội.

  Số lượng người tự tử tại Việt Nam ngày một tăng nhanh.

Tất cả những sự việc trên đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tự tử ngày càng ra tăng trong thời gian gần đây. Mặc dù chưa có thống kê chính thức về số lượng người tự tử ở Việt Nam nhưng qua các nghiên cứu nhỏ và những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, số vụ tự tử đang ngày càng gia tăng. 

Theo nghiên cứu của bác sĩ Trần Thị Thanh Hương và các đồng sự, năm 2006 số lượng người dân có ý nghĩ tự tử chiếm khoảng 8,9% dân số. 

Còn cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên lần thứ 2 năm 2010 thì tỷ lệ các bạn trẻ từng nghĩ đến chuyện tự tử và từng tìm cách kết thúc cuộc sống của mình đã tăng cao hơn gấp đôi so với 5 năm trước. Tỉ lệ thanh niên từ 15 - 24 tuổi là nhóm có ý định tự tử cao nhất, trong đó tỷ lệ nữ cao gấp hai lần so với nam.

Trong số 10.000 người trong nhóm tuổi này được điều tra, 4,1% người nghĩ đến chuyện tự tử, 25% đã tìm cách kết thúc cuộc sống.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hàng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu người chết vì tự tử, tập trung ở các đối tượng trẻ tuổi, thanh thiếu niên và phụ nữ. Mặt khác, tự sát là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi. Tỷ lệ tự sát ở nam cao hơn nhiều so với ở nữ giới.

Có khoảng 10-20 triệu vụ tự sát không thành xảy ra mỗi năm trên toàn thế giới.

Dự báo của WHO, đến năm 2020 tự tử sẽ là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở các nước phát triển và hàng thứ 2 ở các nước đang phát triển.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi


Kỳ tới: Nhận diện người tự tử

Thu Huyền - Cẩm Linh

Bình luận(0)