Ngày 17/5, y sĩ Lê Công Danh, khoa Nội, Bệnh viện Y học Cổ truyền Thừa Thiên Huế, cho biết vừa chữa trị thành công cho bệnh nhân nhiễm sán xơ mít.
|
Sán xơ mít dài hơn 12 m nằm trong ruột người. Ảnh: Điền Quang. |
Bệnh nhân là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (34 tuổi, trú xã Ba Lòng, huyện Đa Krông, Quảng Trị). Kết quả đo đạc cho thấy, con sán xơ mít trong ruột anh Tuấn dài hơn 12m, có mình dẹt, màu trắng đục.
Anh Tuấn cho biết, anh phát hiện mình bị nhiễm sán xơ mít hơn một năm trước. Mỗi lần đi vệ sinh, sán ra theo đường hậu môn từng đoạn dài.
"Sức khỏe tôi vẫn bình thường nhưng có cảm giác ăn không biết no, bụng hay khó chịu. Mấy tháng trước, tôi bị đau quặn ở bụng nhưng do bận việc nên giờ mới vào Huế chữa trị", anh Tuấn cho biết.
Một năm trước, y sĩ Danh cũng đã chữa trị thành công cho bệnh nhân mắc sán dài gần 10 m.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, chuyên khoa ký sinh trùng bệnh sán xơ mít (sán dải, sán dây) thường diễn biến âm thầm, ít có triệu chứng. Một số người có thể có đau bụng thoáng qua, đi cầu có lúc phân lỏng, người mệt mỏi, chán ăn…
Hậu quả của bệnh là suy nhược, thiếu máu, căng thẳng thần kinh, giảm khả năng tập chung vào học tập và công việc. Nhiều người có cảm giác sợ hãi thiếu tự tin khi thấy đốt sán bò ra hậu môn. Một và trường hợp có thể bị tắc ruột…
Điều trị bằng phương pháp sổ sán bắt nguyên con. Đây là cách sử dụng liều thuốc đặc trị thấp nhất có thể khiến cho con sán bị say và không tự kiểm soát được hoạt động bình thường. Tiếp theo nó sẽ bị tống ra ngoài theo phân nhờ một số thuốc nhuận tràng.
Ưu điểm của phương pháp này là thời gian điều trị ngắn; không bị ảnh hưởng nhiều bởi độc tố sau khi sán chết.