Hỏng tai, mù mắt vì hải sản nhiễm lưu huỳnh, urê

Google News

(Kiến Thức) - Dù đã bị cấm từ lâu nhưng đạm urê và lưu huỳnh vẫn được dùng để bảo quản cá, hải sản một cách vô nguyên tắc, gây ngộ độc cho người sử dụng. 

Lưu huỳnh là một dạng khối cục không sử dụng trực tiếp trong việc bảo quản thực phẩm. Người ta thường dùng lưu huỳnh thông qua hình thức đốt. Quá trình đốt lưu huỳnh được gọi là xông SO2. 

SO2 là một loại khí rất độc và nặng, tuy nhiên nó lại có tác dụng diệt khuẩn rất tốt. Trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản, xông SO2 bằng cách đốt lưu huỳnh, khi đốt lưu huỳnh cháy sinh ra khói phản ứng với oxi tạo thành SO2. Người ta sử dụng khói này để xông các loại thủy, hải sản, có tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm mốc. 

Tuy nhiên, người ta chỉ sử dụng biện pháp xông SO2 trong trường hợp những sản phẩm này khi ăn phải được bỏ vỏ hay khi sử dụng phải qua một quá trình chế biến trong thời gian dài như nấu, đun sôi, ninh dừ... Sử dụng xông SO2 trong việc bảo quản cá không tốt. Bởi, trong quá trình xông, SO2 sẽ nhiễm vào thực phẩm, khi ta sử dụng sẽ ăn phải chất đó. Chính vì vậy, biện pháp này không được sử dụng một cách rộng rãi. Vì khi xông, SO2 ngấm vào trong cá, nếu người sử dụng theo kiểu nướng cá trên than, lửa… sẽ rất độc.

Sử dụng biện pháp xông SO2 để tránh nấm mốc, diệt khuẩn cho cá rất tốt. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, người dùng phải có hiểu biết và sử dụng đúng cách.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Xông SO2 không phải trường hợp nào cũng được sử dụng. Nhìn chung, nếu xử lý SO2 đúng kỹ thuật thì không đáng lo ngại. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại chính là SO2 sẽ gây độc cho chính người trực tiếp tiếp xúc với nó như: người sản xuất, người trực tiếp tiếp xúc với SO2 trong việc dùng để bảo quản, chế biến sản phẩm".

Khí SO2 có đặc điểm là nặng, khi đốt sẽ bay lên cao. Tuy nhiên đến một thời gian nhất định, SO2 sẽ hạ thấp lơ lửng trên mặt đất. Những người trực tiếp tiếp xúc với nó ngửi phải sẽ gây hiện tượng nhiễm độc. 

Khí SO2 bay vào phổi, tác động với niêm màng phổi, làm hỏng màng phổi. Khí SO2 tác động với cơ thể làm hỏng màng mắt, mũi. Thậm chí, nếu trong nồng độ cao sẽ làm hỏng màng tai.  

Những trường hợp sử dụng SO2, trong lĩnh vực an toàn lao động có những yêu cầu chặt chẽ như sử dụng mặt nạ chống độc, và đảm bảo nghiêm ngặt trong quy trình sử dụng.

Đối với việc sử dụng đạm urê trong bảo quản cá, nhất là cá biển đó là một phương pháp vô nguyên tắc và bị cấm sử dụng từ lâu. Khi sử dụng đạm urê trong việc tẩm ướp, bảo quản cá, đạm urê sẽ ngấm trực tiếp vào cá, gây ngộ độc cho người sử dụng. 

Việc sử dụng đạm urê nguy hiểm và độc hại hơn rất nhiều so với việc xông cá khô với SO2. Để chống nấm mốc, vi sinh vật gây thối cho cá, người ta sử dụng đạm urê để bảo quản. Tuy nhiên, đây là một phương pháp gây nguy hiểm rất lớn đến sức khỏe người sử dụng. Chính vì vậy, phương pháp làm này đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng, và việc sử dụng đạm urê trong bảo quản cá nói riêng và thủy sản nói chung là trái pháp luật.

"Bản thân urê không phải là chất dinh dưỡng, đó chỉ là hóa chất được người dân sử dụng để bảo quản. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm đạm urê sẽ gây bệnh cho cơ thể. Tuy nhiên, cho tới hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh những bệnh do việc sử dụng đạm urê trong bảo quản cá gây ra. Nhưng chắc chắn rằng, đây không phải là một hợp chất tự nhiên, sẽ gây độc cho người sử dụng", PGS.TS Nguyễn Duy Thinh chi biết. 

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Phạm Thùy

Bình luận(0)