Tổn thương não, giảm IQ ... do nhiễm chì trong đồ sứ

Google News

(Kiến Thức)- Chì là một nguyên tố độc hại đối với sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cũng cũng như trong thời kỳ phát triển thai nhi. 

Thị trường gốm sứ phát triển rất nhanh, với nhiều loại sản phẩm đa dạng về hình thức, chủng loại, chất lượng đến giá thành. Nhưng để chọn được những sản phẩm đồ gốm, sứ an toàn khi sử dụng và tránh được những tác hại của các sản phẩm gốm sứ kém chất lượng đặc biệt là với các sản phẩm là các đồ dùng phục cho cuộc sống hàng ngày... thì hầu như 99% người dân không biết.

Trao đổi với Kiến Thức, Kĩ sư cao cấp Phạm Văn Lâm - Viện hóa học, người từng nghiên cứu sâu về men sứ cho biết: "Điều cần thiết bây giờ là phải cung cấp thêm thông tin cũng như kiến thức để người dân tự phân biệt, chọn lựa được loại đồ sứ an toàn nhất và tránh được những đồ kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhan nhản trên thị trường".

“Ham lợi pha chì, Cadimium vào đồ sứ”

Theo Kĩ sư Phạm Văn Lâm: " Với các sản phẩm sứ dân dụng được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, để đảm bảo an toàn thì vấn đề quan trọng nhất cần chú ý là thành phần hóa học của men và nhiệt độ nung. Nhưng cả hai thông số này người tiêu dùng đều không được thông báo khi mua hàng do đó rất khó để lựa chọn. 

Các đồ dùng nhà bếp bằng gốm sứ đều có thể chứa cả hai kim loại chì và Cadimium.
Các đồ dùng nhà bếp bằng gốm sứ đều có thể chứa cả hai kim loại chì và Cadimium.

Hiện nay có thể tạm hiểu một sản phẩm sứ dân dụng như nồi, ấm, tách, cốc, bát đĩa... bao gồm 2 thành phần chính là xương sứ và lớp men sứ phủ bên ngoài. Xương sứ, là phần cứng được tạo hình theo hình dáng mong muốn của người sử dụng, hay nhu cầu của thị trường…

Còn lớp men sứ phủ bên ngoài xương sứ nhằm: làm đẹp cho sản phẩm, bịt kín các lỗ mao quản nhằm chống thấm, tăng độ cứng và độ bền hóa học, ngoài ra còn có các hoa văn, đề can trang trí của đồ sứ...

Trong các sản phần gốm sứ thì hai chất có những tác động xấu tớ cơ thể là chì, Cadimium… thường được tìm thấy nhiều trong men sứ. Các đồ dùng nhà bếp bằng gốm sứ đều có thể chứa cả hai kim loại này.

Các men không chì thường có nhiệt độ nung cao (1200 -1250oC) độ cứng bề mặt và độ bền hóa cũng cao, do đó dẫn đến tiêu tốn năng lượng, cũng như thời gian so với không chì… Ngoài ra xương sứ cũng đòi hỏi chất lượng cao để chống các hiệu ứng nứt, méo, co ngót. 

Nên thực tế nhiều nhà sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận đã pha thêm chì oxit hoặc chì oxít đã được frit hóa vào hỗn hợp men để giảm thời gian nung, nhiệt độ nung cũng như tăng khả năng bám dính, tăng độ sắc nét của hoa văn trên đồ gốm sứ.

Khi kiểm tra một số sản phẩm của Trung Quốc có trên thị trường đều phát hiện thấy có mặt chì và cadimiun trong men. Chì cũng có trong các hoa văn, mặc dù sản phẩm rất đẹp. 

Tổn thương não, giảm IQ, đau cơ khớp do nhiễm chì trong đồ sứ

Khi tiếp xúc với thực phẩm, các chất độc hại có thể thẩm thấu vào thực phẩm, nước uống với mức độ khác nhau sau đó vào cơ thể người sử dụng. 

"Đồ sứ hoa văn sặc sỡ thường chưa nhiều chì"
"Đồ sứ hoa văn sặc sỡ thường chưa nhiều chì" (Hình minh họa)

Lượng chì và cadmium di chuyển từ gốm vào thực phẩm phụ thuộc không chỉ vào chất lượng của men mà đặc biệt là vào nhiệt độ mà vật liệu gốm được nung, loại thực phẩm và thời gian tiếp xúc…

Sử dụng những loại thực phẩm có hàm lượng axit cao như nước cam, rượu vang, hoặc các sản phẩm cà chua có thể làm tăng đáng kể việc di chuyển các kim loại này từ men vào cơ thể. Tình trạng này cũng xảy ra khi các loại thực phẩm có tính axit được lưu trữ trong các nồi hoặc bình chứa bằng sứ.

Chì là một nguyên tố độc hại đối với sức khoẻ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, cũng như trong thời kỳ phát triển thai nhi. Tiếp xúc với chì có thể gây ra tác dụng có hại cho sức khỏe bao gồm: Tổn thương não, hệ thần kinh, giảm chỉ số IQ, gây ra huyết áp cao, các vấn đề về tiêu hóa, đau cơ và khớp. 

Cadimium và hợp chất của nó, được phân loại là chất gây ung thư. Nó được sử dụng trong gốm sứ dưới dạng men mầu. 

Cadmium cũng tích lũy trong cơ thể thông qua chuỗi thức ăn, nó tích tụ trong gan và thận. Một khi nó đã được đưa vào cơ thể, cadmium bị loại bỏ rất chậm. 

Nhiễm độc Cadmium ban đầu biểu hiện các triệu chứng tiêu chảy và ói mửa. Cadmium có thể dẫn đến suy gan và tổn thương tim, thận và tuần hoàn. Ở liều thấp trong một thời gian dài sẽ quan sát thấy các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu và rối loạn thần kinh.

Nhìn chung rất khó phân biệt được bằng cách trực quan đâu là loại men chứa chì nếu không thực hiện các test phân tích.

TIN LIÊN QUAN








Thu Huyền ghi

Bình luận(0)