Thời báo Hoàn Cầu cho hay, trong những năm gần đây, việc nghiên cứu đạn dược chuyên dụng cho máy bay không người lái của Trung Quốc phát triển rất đáng kể, từ tên lửa không đối đất, bom liêng đến tên lửa không đối không. Nếu nhìn từ góc độ chủng loại, kích thước và tính năng, cũng không thua kém các sản phẩm tương tự của Mỹ, phương Tây.
Điển hình như tên lửa không đối đất dẫn đường laser bán chủ động BA-7, bom dẫn đường chính xác YZ-100/200 (trong đó bom YJ-100 có 6 kiểu bom nhiều trọng lượng còn YZ-200 có 9 kiểu), bom có điều khiển LS-6 nặng 50kg và bom dẫn đường laser YZ-121 trang bị cho máy bay không người lái Tường Long; tên lửa không đối đất AR-1 và bom FT-5 dùng cơ chế dẫn đường laser trang bị cho máy bay không người lái CH-3 và CH-4.
|
Mô hình tên lửa AR-1 và UAV CH-3.
|
Trong đó, AR-1 là tên lửa không đối đất chuyên dụng cho UAV do Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Trung Quốc nghiên cứu. Nó là một loại tên lửa đa dụng, có thể dùng để tấn công xe tăng, xe thiết giáp, công sự trên đất liền, mục tiêu trên biển, tính năng của nó giống với tên lửa không đối đất Maverick do Mỹ chế tạo.
Căn cứ vào chi tiết kỹ thuật của tên lửa AR-1 được công bố, thì nó sử dụng 2 phương thức dẫn đường (gồm dẫn đường quán tính kết hợp GPS) cho phép tấn công chính xác mục tiêu mặt đất. Nó lắp đầu đạn khoảng 10 kg, tầm bắn khoảng 8-10km, tốc độ bay vượt âm, trọng lượng tên lửa 45kg. Theo các phương tiện truyền thông thì khả năng xuyên giáp tăng của AR-1 có thể là 1.000mm, trong khi khả năng xuyên thủng bê tông là 1200mm.
Đáng chú ý nhất trong kho vũ khí UAV Trung Quốc là tên lửa không đối không TY-90 - dài 1,9m, đường kính thân 90mm, trọng lượng 20kg nên có thể trang bị dễ dàng cho trực thăng, máy bay không người lái.
TY-90 đạt tầm bắn 500-6.000m, độ cao tác chiến 0-6.000m, tốc độ bay tối đa Mach 2, lắp đầu nổ nặng 3kg (dùng ngòi nổ laser) có uy lực sát thương lớn. Tên lửa trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại có khả năng đối kháng hiệu quả với các biện pháp đối phó của đối phương.