Hàng trăm người nhập viện mỗi ngày vì đau mắt đỏ

Google News

(Kiến Thức) - Bệnh viện mắt Trung ương và khoa mắt của nhiều bệnh viện lớn luôn trong tình trạng quá tải kể cả trong ngày nghỉ.

Bệnh đau mắt đỏ bùng phát diện rộng
Theo khảo sát của phóng viên Kiến Thức tại viện mắt Trung ương mỗi ngày có từ 100-150 người bệnh các độ tuổi đến khám và chữa bệnh đau mắt đỏ. Số lượng bệnh nhân bị mắc mới bệnh nay vẫn tăng lên hàng ngày và đang diễn biến phức tạp.
 Hàng trăm người xếp hàng dài đợi khám bệnh ở viện mắt trung ương sáng 22/9.
Có những gia đình cả nhà từ ông bà, bố mẹ, tới con cháu đều bị đau mắt đỏ do lây lan lẫn nhau mà không biết. 
Căn bệnh này cũng bùng phát mạnh mẽ tại nhiều thành phố lớn và địa phương như TP HCM, Quảng Ngãi, Nghệ An và nhiều địa phương khác trên cả nước. Các ổ dịch đau mắt đỏ lớn thường xuất hiện ở trường học, công sở.
Chị Hoàng Thúy ở Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Gia đình tôi cùng lúc có 2 người bị đau mắt đỏ là tôi và anh trai. Buổi sáng, khi ngủ dây tôi thấy mắt mắt, đau nhức tưởng có dị vật rơi vào ai ngờ anh trai tôi cũng bị tương tự. Chúng tôi đưa nhau đi khám thì 2 anh em đều bị viêm kết mạc- đau mắt đỏ phải uống thuốc và nhỏ mắt”.
Còn chị Trà My ở Trung Kính chia sẻ: "Tôi tới viện vào buổi sáng chủ nhật mà xếp hàng cả buổi sáng mới đến lượt. Tôi lây đau mắt đỏ của một đồng nghiệp ở cơ quan. Giờ tại nơi tôi làm việc có đến cả chục người bị bệnh này”.
Nguyên nhân cách phòng bệnh đau mắt đỏ
BS.ThS. Lê Xuân Cung chia sẻ: “Đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng nên thường phát triển thành dịch. Bệnh gặp phổ biến ở nước ta, thường là vào mùa hè . Trong đó, ở các thành phố lớn gặp nhiều hơn ở nông thôn do mật độ dân cư đông hơn".
Cũng theo vị bác sĩ này, người bình thường có thể bị đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn: tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn, do virus, kí sinh trùng... Hoặc do tác động của gió, bụi, cát, ánh sáng, sức nóng, tia X, các chất axit, kiềm, iot, cồn. Cũng có thể do dị ứng: dị ứng thuốc, do côn trùng, theo mùa.
Tuy nhiên bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch (gọi là dịch đau mắt đỏ) thì nguyên nhân chủ yếu là do virus mà hay gặp là virus hạch - denovirus.
Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện bệnh) khoảng 3 ngày.
Người bệnh thường cảm thấy: Ngứa, cộm, chói, đau nhức, sợ ánh sáng, chảy n­ước mắt và có nhiều dử mắt. Đôi khi sáng ngủ dậy dử mắt làm cho hai mi dính chặt lại nên bệnh nhân rất khó mở mắt. Khó nhìn, nhưng không giảm thị lực trừ bệnh viêm kết mạc họng hạch do Adenovirus.
 Trẻ em rất dễ lây bệnh đau mắt đỏ
Mắt đỏ do cương tụ mạch máu lớp nông của kết mạc. Mi mắt có thể sưng nề. Kết mạc phù nề Xuất huyết dưới kết mạc: gặp trong viêm kết mạc xuất huyết.
Trường hợp nặng có thể gây tổn thương giác mạc làm cho giác mạc bị mờ đục do thẩm lậu viêm, khi đó thị lực của bệnh nhân giảm rất nhiều. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.
Bệnh có thể lây từ người này sang người khác do bệnh có nguồn lây là virus, có rất nhiều trong nước mắt và dử mắt người bệnh và có thể lây cho người khác qua các đường:
Lây qua các vật dụng sinh hoạt do dùng chung khăn mặt và chậu rửa mặt, bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào các đồ vật và sẽ lây cho những người dùng chung đồ vật đó (hay gặp ở những người trong cùng gia đình, các nhà trẻ, mẫu giáo), hoặc lây qua môi trường bể bơi. Ở một số nơi do vệ sinh kém (như ở một số vùng nông thôn) có thể lây qua vật trung gian là ruồi.
Lây qua đường nước bọt. Nước mắt được tiết ra sau khi làm nhiệm vụ dinh dưỡng và làm sạch cho mắt sẽ thoát qua đường dẫn nước mắt (lệ đạo) để xuống mũi, họng. Ở người bị viêm kết mạc cấp trong nước mắt này có chứa rất nhiều virus và khi bệnh nhân nói chuyện, ho hoặc hắt hơi thì virus sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài và lây bệnh cho người khác.
Bệnh có thể khỏi hoàn toàn trong vòng 1 đến 2 tuần không để lại di chứng gì, tuy nhiên nó gây ra một số hậu quả:
Ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động. Viêm kết mạc cấp có thể gây nên tổn thương giác mạc: như viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc chấm nông gây giảm thị lực kéo dài. Có thể lây lan thành dịch làm cho nhiều người cùng bị bệnh.
Cách phòng bệnh
Luôn vệ sinh sạch sẽ, khi đi đường bụi phải đeo kính, tra nước muối sinh lý để rửa mắt.
Khi có người bị viêm kết mạc cấp thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như: dùng riêng khăn và chậu rửa mặt, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết (trẻ em nên cho nghỉ học để tránh lây nhiễm cho những em khác). 
Trước khi dùng các vật dụng chung phải rửa tay xà phòng. 
"Lưu ý khi phát hiện bệnh không nên tự chữa trị mà cần đến chuyên khoa mắt hoặc bệnh viện mắt để bác sĩ khám và chữa trị theo phác đồ phù hợp" bác sĩ  Cung đặc biệt nhấn mạnh.
Thu Nguyên

Bình luận(0)