Các nhà khoa học tại đây cảnh báo khi nuốt Cd (chất độc chết người, độc hại chẳng kém thủy ngân), asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ cũng có thể gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong.
Sau cái chết tức tưởi của một bé trai 17 tháng tuổi ở TP Vinh, Nghệ An vào ngày 9/5 vì uống nhầm dung dịch lỏng chảy ra từ hộp nhựa đựng tăm, phóng viên đã khảo sát và ghi nhận nhiều vật dụng tương tự có chứa chất lỏng độc hại bán đầy trên thị trường TP.HCM.
Đủ màu, đủ kiểu
Tại nhà sách trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn, TP.HCM), các đồ dùng văn phòng như hộp cắm viết làm bằng nhựa có chứa chất lỏng trang trí đủ màu, đủ kiểu rất bắt mắt trưng đầy trên kệ với giá 30.000 đồng/cái. Người bán đưa PV xem một sản phẩm hình hai trái tim lồng nhau, trong có hai búp bê một nam một nữ đang tỏ tình rất đẹp. Bên trong sản phẩm có chứa chất lỏng sền sệt đầy kim tuyến, lóng lánh đẹp mắt. Tuy nhiên, sản phẩm chẳng một thông tin, chẳng một dòng chữ.
Khi chúng tôi hỏi sản phẩm được làm từ đâu, bà chủ nhà sách trả lời: “Tôi cũng không biết. Có người đến chào hàng, thấy đẹp nên tôi mua rồi bán lại. Mà sản phẩm đựng viết bán chạy lắm, học sinh rất thích”.
Ngoài hình trái tim lồng vào nhau, sản phẩm cắm viết còn có hình cái ấm nước, ngôi nhà, xe ô tô… đủ màu xanh, đỏ, vàng. Sản phẩm nào bên trong cũng có chứa chất lỏng màu bạc, lắc nhẹ sóng sánh rất đẹp.
Tại nhà sách trên đường Trường Chinh (quận Tân Bình, TP.HCM), cục chặn giấy làm bằng nhựa, trong có chất lỏng tương tự cũng được bán đầy trên kệ với giá dao động từ 20.000 đến 25.000 đồng/cái. Tất cả sản phẩm này cũng chẳng có một dòng thông tin.
Lớp nhựa trên sản phẩm khá mỏng, chất lỏng được pha trộn với các màu đỏ, xanh, vàng… bắt mắt. Nghe PV hỏi sản phẩm xuất xứ từ đâu, dễ bể khi rớt dưới đất không, nhân viên bán hàng trả lời nhát gừng: “Có lẽ từ Trung Quốc. Cái gì rớt mà chẳng bể”.
|
Khách hàng chọn mua cục chặn giấy có chứa chất lỏng sóng sánh đẹp mắt tại một nhà sách. Ảnh: T.NGỌC |
|
Kết quả phân tích của Viện Công nghệ hóa học cho thấy dung dịch chứa trong sản phẩm chặn giấy có các chất độc hại có thể gây tử vong như chì, asen, Cd... |
Toàn chất độc chết người
Chúng tôi mua một cục chặn giấy bằng nhựa, trong có chất lỏng sóng sánh đẹp mắt đem đến Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) nhờ phân tích. Kết quả cho thấy lớp dung dịch ở trên là chất hữu cơ trong suốt, không tan trong nước, mùi hydrocacbon gốc khoáng. Lớp dung dịch dưới có màu cam (nước pha với màu).
Kết quả còn cho thấy lớp dung dịch chất hữu cơ trong suốt chứa một số kim loại nặng bao gồm chì (hàm lượng 0,03 mg/lít), asen (hàm lượng 0,11 mg/lít). Điều đáng lưu ý hàm lượng Cd (cadmium) lên tới 1,21 mg/lít!
TS Nguyễn Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Hóa lý phân tích Viện Công nghệ hóa học, cho biết: “Cd và các dung dịch, các hợp chất của nó độc hại chẳng kém thủy ngân (có thể dẫn đến chết người). Các hợp chất chứa Cd cũng dễ có nguy cơ gây ung thư. Cd vào cơ thể qua đường hô hấp sẽ gây đau ngực, khó thở, tím tái... Nhiễm Cd qua đường tiêu hóa sẽ gây buồn nôn, nôn, đau bụng... Trong một vài trường hợp, nuốt phải một lượng nhỏ Cd có nguy cơ gây ngộ độc cấp tính khiến gan và thận bị tổn thương nặng, thậm chí tử vong. Đến nay chưa có biện pháp giải độc Cd mang hiệu quả cao. Do đó, tốt nhất không cho trẻ tiếp xúc với những sản phẩm có chứa chất độc Cd”.
TS Phượng cho biết thêm asen và chì là kim loại nặng cũng rất độc. Trẻ nuốt asen và chì vào cơ thể với hàm lượng nhỏ sẽ gây ngộ độc cấp tính, dẫn đến tử vong.
Khuyến cáo người dân không dùng
Như đã đưa tin, chiều 8/5, vợ chồng anh Hải đi làm, con trai lớn 10 tuổi ở nhà trông em là bé Huy. Trong quá trình vui chơi, bé Huy làm vỡ hộp (lọ) đựng tăm bằng nhựa (trong vỏ lọ đựng tăm có chứa hóa chất trang trí như nước sóng sánh). Bé Huy cầm hộp đựng tăm bị vỡ đó uống nước trong họp tăm chảy ra rồi bị hôn mê. Ngay khi người thân phát hiện đã đưa bé Huy đến BV Sản-Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng thân mình tím tái, hôn mê. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán cháu bị ngộ độc hóa chất quá nặng nên đã chuyển cháu ra Hà Nội cấp cứu, tuy nhiên cháu đã tử vong trên đường đi.
Các bác sĩ khuyến cáo người nhà có con nhỏ không nên để hộp tăm có chứa dung dịch thủy ngân, hóa chất làm trang trí trên bàn, bởi nếu khi lọ tăm vỡ trẻ em uống phải ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.
Ông Nguyễn Thái Hiếu, Trưởng Công an xã Hưng Đông, cho biết gia đình anh Hải mua chiếc hộp đựng tăm ở chợ trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An), không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đắc Lam
Sản phẩm phải có thông tin cảnh báo an toàn
Sản phẩm cắm viết, chặn giấy làm bằng nhựa có chứa chất lỏng độc hại còn được bày bán đầy trong các tiệm tạp hóa nhỏ. Tất cả đều có điểm chung là không nhãn hiệu, không xuất xứ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Văn Xiêm, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa miền Nam, cho biết các sản phẩm phải có xuất xứ hàng hóa, công bố tiêu chuẩn cơ sở hẳn hoi. “Nếu sản phẩm không có nhãn hàng hóa, không có thông tin sản phẩm là vi phạm pháp luật, cụ thể là Nghị định 89/2006” - ông Xiêm nói.