Nhạy cảm ngà được mô tả là một triệu chứng nhói buốt ngắn xuất hiện từ phần ngà răng bị lộ ra khi đáp ứng với các kích thích như nhiệt độ, cọ xát cơ học, luồng hơi hay kích thích hóa học mà không phải bất kì lý do bệnh lý nào khác.
Tỉ lệ mắc nhạy cảm ngà được báo cáo qua nhiều nghiên cứu dao động từ 40,7%- 57%, tập trung ở lứa tuổi 22 - 58. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng tỷ lệ này tăng cao ở nhóm người bị viêm quanh răng, có thể lên đến 72 - 98%.
Yếu tố khởi phát nhạy cảm ngà được ghi nhận thường gặp nhất là lạnh, chua. Bên cạnh đó, một số yếu tố về thói quen ăn uống và dinh dưỡng cho thấy sự liên quan đến khởi phát và tiến triển của nhạy cảm ngà.
Tỉ lệ nhạy cảm ngà được báo cáo ở nhóm người được sử dụng thường xuyên nước ngọt có ga, trái cây - nước trái cây cao hơn có ý nghĩa thống kê so với những người không có thói quen này. Đó là do nguồn acid có trong thức ăn, nước uống sau khi được dùng thường xuyên đã vượt quá khả năng đệm của nước bọt và làm mất sự cân bằng các thành phần khoáng.
|
Bệnh răng tê buốt do nhạy cảm ngà răng - Ảnh BVCC |
Các nguyên nhân gây nhạy cảm ngà
Có 2 nhóm nguyên chính gây nhạy cảm ngà gồm:
Co tụt lợi: Lợi co tụt gây lộ lớp cement. Cement có khả năng kháng mài mòn thấp vì vậy rất nhanh chóng bị mòn gây lộ lớp ngà.
Hơn nữa, có 10% trường hợp giao điểm men - cement ở vùng cổ răng có khoảng cách cement và men không tiếp xúc với nhau làm lớp ngà bên dưới được bộc lộ, khi lợi co tụt lớp ngà này sẽ tiếp xúc trực tiếp với môi trường miệng gây nên các triệu chứng của nhạy cảm ngà.
Lợi co tụt có thể là do quá trình lão hoá hay hậu quả của viêm nha chu mạn tính, hoặc những thói quen có hại của bệnh nhân như:
- Đánh răng quá nhiều và quá mạnh có thể làm lợi tụt khỏi vị trí sinh lý của nó.
- Vệ sinh răng miệng kém gây viêm nhiễm phá hủy mô nha chu gây lộ chân răng
- Điều trị nha chu: ngà bị lộ sau lấy cao răng dưới lợi hay nguyên nhân khác như loại bỏ các lớp cement bao quanh chân răng trong quá trình nạo nha chu.
- Lộ chân răng sinh lý: đây là kết quả của quá trình lão hoá chung của cơ thể
Mòn răng: Mòn răng là thuật ngữ để chỉ tất cả những trường hợp mất mô cứng của răng bất kể nguyên nhân gì. Có 4 loại mòn răng bao gồm mòn răng - răng (Attrition), mài mòn răng (Abrasion), mòn hoá học (Erosion) và tiêu cổ răng (Abfraction).
Mòn răng- răng: là sự mất cấu trúc bình thường của răng do ma sát gây ra bởi các lực sinh lý. Nguyên nhân chủ yếu do tật nghiến răng.
Bình thường, quá trình mòn răng sinh lý gây mất men răng theo chiều dọc khoảng 20 - 38 µm/năm/ Ở người có tật nghiến răng, sự siết chặt và nhấn vào răng sẽ tạo ra động lực lớn tác động vào răng đối diện và mòn răng - răng phát triển sẽ mạnh thêm.
Mài mòn răng là sự mất cấu trúc răng do tác động của lực ma sát từ các tác nhân ngoại lai.
Mài mòn răng tại mặt nhai hoặc rìa cắn: Nguyên nhân chủ yếu từ các thói quen ăn các đồ ăn xơ cứng, là hậu quả của các thói quen xấu như cắn vật cứng, ngậm tẩu thuốc. Khi mòn đến lớp ngà thì cũng xuất hiện các tổn thương lõm dạng đáy chén.
Mòn tại cổ răng: Nguyên nhân chủ yếu là do lực chải răng quá mạnh hoặc các hạt cát trong kem đánh răng quá thô. Tổn thương dạng hình chêm hay hình chữ V ở cổ răng mặt ngoài .
Xói mòn: là sự mất bề mặt răng bằng một quá trình hóa học không liên quan đến hoạt động của vi khuẩn.
Nguyên nhân: xói mòn là do tiếp xúc mạn tính mô cứng của răng với các chất có tính acid có thể do nguồn gốc nội tại hoặc bên ngoài.
Acid nội sinh có nguồn gốc trong dạ dày và có liên quan đến ăn uống.
Nguồn acid ngoại lai: xói mòn ảnh hưởng đến mặt môi của các răng phía trước được tìm thấy ở các công nhân mỏ, công nhân hóa chất do hơi acid trong môi trường làm việc.
Tiêu cổ răng là sự mất men và ngà răng gây ra bởi lực uốn của răng trong quá trình tải dẫn đến sự mỏi vượt quá khả năng đáp ứng của răng tại vùng răng thường chịu lực tải.
Tổn thương lõm hình chêm tại ranh giới men cement cạnh sắc có dạng như vết khứa thường mở rộng phía dưới lợi, thường gặp trên 1 răng đơn độc mà răng này thường lệch trục, xoay trục, cản trở cắn.
Triệu chứng của nhạy cảm ngà: Bệnh nhân cảm thấy ê buốt khó chịu ở răng khi gặp các kích thích như đồ ăn uống nóng lạnh, chua, ngọt, hơi gió lạnh, khi đánh răng nước lạnh, súc miệng...hoặc sau lấy cao răng. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và tự biến mất, thay đổi từ nhẹ đến nặng.
Cách điều trị
Theo thuyết thủy động học, nhạy cảm ngà là sự thay đổi dòng chảy trong ống ngà kích thích đầu mút thần kinh tận cùng ở vùng ranh giới ngà tủy. Do vậy việc điều trị dựa trên các nguyên tắc sau:
-Tăng ngưỡng kích thích thần kinh: các muối có ion kali.
- Làm đông dòng chảy trong ống ngà: các glutaraldehyde, nitrate bạc.
- Bịt các ống ngà: các sản phẩm chứa oxalat, calci, fluoride. Các sản phẩm chứa resin, glass ionomer tạo lớp phủ trên bề mặt răng.
- Tác dụng phối hợp: laser.
- Loại bỏ nguyên nhân, điều trị phục hồi
Khi có dấu hiệu ê buốt răng, người bệnh cần đi khám. Lúc này bác sĩ sẽ xử trí như sau:
- Khám tổng quát phát hiện đánh giá tình trạng nhạy cảm ngà ê buốt răng. Phát hiện các tổn thương sâu răng, tụt lợi, mòn răng, tiêu lõm cổ răng, lỗ hàn sâu tái phát...để điều trị
- Hướng dẫn bệnh nhân thay đổi, bỏ thói quen gây hại: nghiến răng, đưa bàn chải ngang khi đánh răng, ăn uống đồ có ga, hàm lượng acid cao. Không ăn đồ quá nóng lạnh.
- Hướng dẫn vệ sinh răng miệng đúng cách: đánh răng sau ăn 1 giờ, chọn thuốc đánh răng không chứa thành phần kích thích (chất tẩy trắng), thuốc chứa các thành phần chặn dẫn truyền thần kinh giảm cảm giác ê buốt như sensodyde, GC tooth mousse, colgate relief.., nước súc miệng không cồn. Đánh răng đúng phương pháp, chọn kem đánh răng có Fluoride nồng độ 1350ppm cho răng nhạy cảm, chọn bàn chải mềm.
- Điều trị chuyên sâu: hàn các răng sâu, răng mòn, bôi chất chống ê buốt lên răng mòn, răng tụt lợi (seal protect, nanoseal...), làm máng chống nghiến, điều trị sang chấn khớp cắn, nâng khớp làm chụp bọc, điều trị bệnh trào ngược dạ dày, stress...Trường hợp viêm quanh răng tụt lợi nhiều xét ghép lợi, ghép xương
- Khám định kỳ 6 tháng/1 lần để kịp thời phát hiện các tổn thương
BSCK II Nguyễn Thị Cẩm Vân (Khoa Răng Hàm Mặt - BV Bạch Mai)