Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chưa có cơ sở để khẳng định loại gạo nhựa xuất hiện ở thị trường Việt Nam.
Gạo từ nhựa + khoai tây + khoai lang
Mấy ngày qua, báo chí Malaysia đưa tin gạo giả làm bằng nhựa độc hại của Trung Quốc được làm từ khoai tây, khoai lang với nhựa tổng hợp, ép thành dạng hạt gạo, được cho là đã có mặt tại những vùng nông thôn ở châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và gần đây là Singapore. Gạo giả có thể là mối nguy hại tới sức khoẻ thậm chí gây chết người. Đó là cảnh báo của cơ quan y tế tại một số nước châu Á. Trước thông tin này, ngày 20/5, thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác minh thông tin gạo giả xuất hiện ở Việt Nam.
Theo tờ Straitstimes, gạo “nhựa” có hình dạng giống hạt gạo thông thường. Do các hạt gạo giả hoàn toàn khác gạo thật nên chúng rất cứng sau khi nấu. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc ăn loại gạo này có thể gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khoẻ, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Tại Malaysia, cơ quan chức năng nước này cũng đang tìm hiểu thông tin và điều tra về loại gạo giả. Thông tin gạo giả mới chỉ lan truyền trên internet, có thể đúng hoặc sai. Nhà chức trách Malaysia đang tiến hành kiểm tra tập trung tại các cửa hàng tạp hóa vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn.
Trước đó, đầu năm 2012, nghi vấn gạo nhựa cũng gây xôn xao ở Hà Nội khi nhiều người dân ở quận Hoàng Mai khẳng định đã mua gạo nhựa về nấu cơm và không thể ăn được. Sau đó, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã có kết quả phân tích 5 mẫu gạo cho thấy, có các chỉ tiêu (protein, tinh bột, vitamin B1) phù hợp với thành phần gạo Việt Nam, không phải là gạo giả. Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cũng không phát hiện chất tẩy trắng, chất đánh bóng trong các mẫu phân tích.
Thực hư gạo giả
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, rất khó có cơ sở để nói rằng người ta làm gạo tự nhựa để kinh doanh vì giá thành gạo thật rẻ hơn nhiều. Có thể làm được gạo giả nhưng chắc chắn giá thành sẽ cao, không thể cạnh tranh với giá thành của gạo thật, nên nếu là người kinh doanh thu lợi nhuận thì không dại gì họ làm gạo giả.
TS Đặng Thành Như, Viện Hóa học cho biết, các vật liệu như nilon, nhựa hoàn toàn có thể làm được gạo giả. Về nguyên tắc, chỉ cần một chiếc máy ép dẻo và chiếc khuôn đúc nhỏ có thể sản xuất hàng loạt "gạo nhựa" giống gạo thật gần 100%. Đầu tiên người ta đưa nhựa hoặc nilon vào trong máy ép, cho máy xay đến khi nhựa thật nhuyễn rồi đổ thẳng vào lò nung. Nung đến khi nào nhựa dẻo lại tiếp tục đổ vào khuôn đúc, đợi đến một thời gian nhất định gạo sẽ cứng lại giống như gạo thật. Thế nhưng, việc mua khuôn và nhựa, nilon để sản xuất gạo giả rất tốn kém và cần kỹ thuật cao.
Các chuyên gia cho biết, gạo giả cũng có màu sắc trong và hình dáng tương tự gạo thường. Chỉ khi nấu lên thì mùi vị của gạo giả mới thể hiện rõ ràng, người không có nhiều kinh nghiệm cũng có thể phân biệt được. Ngoài những kinh nghiệm như chỉ mua hàng có địa chỉ rõ ràng, uy tín, chất lượng thì người dân có thể phân biệt được nếu loại gạo nhựa này xuất hiện trên thị trường. Bẻ đôi hạt gạo, nếu thấy bên trong có nhân màu trắng là gạo thật, còn gạo giả thì chỉ có một màu. Mùi của gạo thật cũng thơm đặc trưng, sờ tay thấy có cảm giác bột cám bao bên ngoài hạt gạo...
Các nhà khoa học cho biết, trước đây, một công nghệ làm gạo giả đã được phanh phui ở Trung Quốc. Người ta thu mua gạo mốc về sau đó đánh bóng, tái chế bằng ngâm vào hóa chất phủ một lớp nilon bên ngoài hạt gạo, trông hạt gạo sẽ trắng, bóng và sáng. Khi nấu lên là phát hiện ngay mùi hắc của nhựa nên người ta đã tẩy chay loại gạo này. Nếu thông tin về gạo nhựa này cũng được làm theo “công nghệ” đó thì phải làm rõ để ngăn chặn.