Ngày 28/7, trả lời phỏng vấn hãng tin Itar-Tass, Tổng công trình sư chương trình máy bay cường kích Su-25 Vladimir Babak cho rằng khả năng tên lửa không đối không phóng từ máy bay này có thể bắn hạ MH17 là rất thấp.
Ông Babak giải thích rằng, sức mạnh của loại tên lửa này không đủ để tiêu diệt được chiếc may bay Boeing-777.
“Chiếc máy bay Boeing giống như một chú chim khổng lồ sẽ không thể nào bị hạ bởi một hòn đá nhỏ, như tên lửa R-60,” nhà sáng chế Babak nói.
|
Máy bay SU-25 của Không quân Ukraine bay dưới một chiếc máy bay chở khách tại một cuộc diễn tập quân sự.
|
Theo ông, để tiêu diệt được chiếc tàu bay này bằng tên lửa R-60 thì chiếc máy bay Su-25 phải bám theo đuôi nó vì loại tên lửa này sử dụng dẫn đường hồng ngoại. Tuy nhiên, khác biệt về tốc độ giữa Boeing và Su-25 là rất lớn.
“Chiếc máy bay Boeing-777 có tốc độ lớn hơn Su-25 khoảng 100-150km/giờ,” ông Babak cho biết.
Vì khác biệt về tốc độ rất đáng kể như vậy, nên việc chiếc máy bay của Malaysia bị bắn hạ bằng tên lửa R-60 từ phía sau là cực kỳ khó khăn.
“Đây là việc rất phức tạp. Tôi không tin vào thực tế của kịch bản này và vào việc máy bay Su-25 của Ukraine có thể phóng tên lửa R-60,” Tổng công trình sư Vladimir Babak nói.
Chiếc máy bay Boeing-777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị rơi ở tỉnh Donetsk, miền Đông-Nam Ukraine vào ngày 17/7. Vụ tai nạn đã làm 298 người trên máy bay thiệt mạng.
Ngay sau thảm họa này chính quyền Ukraine cáo buộc lực lượng ủng hộ ly khai ở Đông Ukraine đã bắn vào chiếc máy bay hành khách này.
Cơ quan tình báo Ukraine (SBU) cho rằng máy bay MH17 đã bị bắn hạ bằng tên lửa BUK-M1 của Nga chuyển cho lực lượng ly khai ở miền Đông-Nam Ukraine. SBU cho rằng, các tổ hợp này sau đó đã được chuyển ngược về Nga.
Nga đã bác bỏ toàn bộ cáo buộc của phía Ukraine, đồng thời tố Kiev tung tin giả.
Các đại diện của lực lượng ly khai tuyên bố họ không có khả năng bắn được tên lửa BUK vì điều khiển được tổ hợp này cần phải được đào tạo bài bản./.