Tạp chí quân sự Jane’s dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar trước một phiên điều trần tại quốc hội nước này cho biết, trong khoảng thời gian hai năm trở lại đây phi đội tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã xảy ra 34 trường hợp gặp sự cố với hệ thống động cơ khi máy bay đang hoạt động trên không.
Các sự cố trên xảy ra liên tục trong giai đoạn từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016 những chiếc Su-30MKI gặp phải trường hợp này đều buộc phải hạ cánh khẩn cấp chỉ với một động cơ còn lại.
Theo Bộ trưởng Parrikar, đây là điều không thể chấp nhận được đối với một dòng máy bay chiến đấu tiến tiến, nhất là khi Su-30MKI lại là xương sống của lực lượng Không quân Ấn Độ.
|
"Mây đen" dường như vẫn che lấp đối với phi đội Su-30MKI của Ấn Độ ngay cả khi các biện pháp cải tiến an toàn liên tục được đưa ra.
|
“Các nhà thầu chính sản xuất động cơ phản lực dành cho Su-30MKI ( hãng NPO Saturn của Nga) đã đề xuất kế hoạch sửa chữa nhất định hoặc cải tiến công nghệ trong dây chuyền sản xuất động cơ mới và thay đổi thời gian đại tu của mỗi động cơ nhằm tránh lặp lại ra các sự cố tương tự,” Parrikar cho biết.
Hiện tại những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ đều được trang bị các động cơ phản lực AL-31FP do NPO Saturn sản xuất, tuy nhiên tập đoàn hàng không vũ trụ nhà nước Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ cũng có giấy phép sản xuất dòng động cơ này bên cạnh đó là dây chuyền lắp ráp Su-30MKI. Cho tới hiện tại Bộ Quốc phòng Ấn Độ vẫn chưa tiết lộ sự thay đổi mới nào trên các động cơ AL-31FP.
Không quân Ấn Độ đang duy trì phi đội tiêm kích đa năng Su-30MKI gồm 200 chiếc, nhưng chỉ có 110 chiếc hoặc 55% trong số đó là có thể sẵn sàng hoạt động một phần là do năng lực bảo dưỡng máy bay yếu kém của Ấn Độ. Và theo kế hoạch Ấn Độ sẽ đưa vào trang bị thêm 72 chiếc Su-30MKI nữa trong giai đoạn từ nay đến năm 2018.