Nhiều bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cai được máy thở
Một bệnh nhân (30 tuổi) mang song thai 25 tuần cũng được các bác sĩ của Bệnh viện Hồi sức COVID-19 hỗ trợ đặt ECMO trong đêm tại Bệnh viện Trưng Vương. Đến hôm sau, sản phụ này đã qua cơn nguy kịch. Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch khác cũng được cai máy thở, chuyển sang thở oxy.
Theo BSCKII Trần Thanh Linh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, tới thời điểm này, số lượng ca nhiễm COVID-19 tại TP HCM đã gấp 4 lần so với Bắc Giang. Bệnh nhân càng đông, tỷ lệ chuyển nặng, nguy kịch và các nguy cơ khác sẽ tăng lên. Đặc biệt, lây nhiễm trong cộng đồng nhiều, bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền cũng nhiều lên, dẫn đến diễn tiến nặng và nguy kịch cũng nghiêm trọng hơn so với Bắc Giang. Bệnh nhân mắc COVID-19 thường chuyển nặng sau khoảng một tuần nhiễm bệnh, do đó, đây có thể nói là đỉnh điểm, thách thức lớn cho ngành y tế.
“Chỉ tính trong ngày 20/7, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có 70 ca thở máy, 5 ca khác đang chờ. Như vậy, lượng máy thở ở đây hiện có 80 máy, dự kiến sẽ hết công suất trong ngày. Những ngày tiếp theo, trong vòng một tuần, chúng tôi phải làm thêm 550 giường, trong đó 100 giường hồi sức liên tục,” BSCKII Trần Thanh Linh cho biết.
|
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 |
Đây là một tình hình đã được các bác sĩ tiên lượng nên theo BSCKII Trần Thanh Linh, bệnh viện đã dự trù con người, máy móc, vật tư tiêu hao… dành cho 1000 giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, do Bệnh viện Hồi sức COVID-19 mới hoạt động, nhưng mới chỉ 4 ngày, số bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch đã là 260 ca. Mỗi ngày, các bác sĩ liên tục nhận 50 - 60 ca nặng và nguy kịch. Số lượng và tốc độ như vậy là một áp lực nặng nề.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là tuyến cuối, thuộc tầng 4 trong điều trị COVID-19 tại TPHCM, chủ yếu tiếp nhận điều trị các bệnh nhân COVID-19 có diễn biến nặng, nguy kịch phải thở máy, chạy ECMO. Theo TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19, hiện tại, bệnh viện điều trị 260 bệnh nhân. Số bệnh nhân nặng dự kiến tiếp nhận trong tuần này là 460 với 100 giường hồi sức nguy kịch. Bệnh viện sẽ phấn đấu lên 700 giường trong tuần tới và tiếp tục tăng cường nhân sự, trang thiết bị cho 1.000 giường khi hết tháng 7.
Hồi sức tích cực, tầng 4 trong điều trị bệnh nhân COVID-19
Ở thời điểm hiện tại, số ca mắc mới được ghi nhận tại TPHCM ở mức 4 con số mỗi ngày. Áp lực điều trị càng lớn, mô hình điều trị “tháp 4 tầng” đã ra đời tầng hồi sức tích cực để tiếp nhận và điều trị các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch.
TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TPHCM, cho biết, đây là một chiến lược chủ động, giúp ngăn chặn, hạn chế tình trạng bệnh nhân chuyển nặng, để từ đó chăm sóc, bảo vệ tốt hơn cho sức khỏe và an toàn của người bệnh; đồng thời giúp giảm tải áp lực điều trị, tối ưu hóa nguồn nhân lực, vật lực, trang thiết bị để tập trung cho các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch giúp làm tăng thêm khả năng cứu sống bệnh nhân.
|
Bệnh nhân COVID-19 nặng |
“Theo đó, 4 bác sĩ chuyên khoa hồi sức từ Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ trực tiếp “cắm chốt” tại 4 bệnh viện tầng thứ 2, gồm Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Củ Chi, Bệnh viện Bình Chánh và Bệnh viện Cần Giờ. Nhờ đó cùng các bệnh viện này theo dõi, đánh giá tình trạng, mức độ nặng của các bệnh nhân, nếu bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ nhanh chóng được hội chẩn trực tuyến, đánh giá và lập tức chuyển đến “tầng” điều trị phù hợp,” TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức cho biết.
Cùng mô hình “tháp 4 tầng” trong điều trị COVID-19 và các kinh nghiệm thực tiễn, các chuyên gia, bác sĩ đã tiến xa hơn một bước nữa là “đánh chặn từ xa, ngăn bệnh nhân chuyển nặng”.
“Với sự phối hợp của các nhân sự tại các bệnh viện cấp độ 2, hệ thống hội chẩn trực tuyến cùng hệ thống đường dây nóng được thiết lập tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được phụ trách bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm về hồi sức như BSCKII Trần Thanh Linh (BV Chợ Rẫy), TS.BS Nguyễn Hoàng Hải (BV Nhân dân Gia Định), TS.BS Đỗ Quốc Huy (BV Nhân dân 115). Sau khi hội chẩn nếu xác định các trường hợp bệnh nhân có nhiều khả năng chuyển nặng, lập tức sẽ được chuyển về Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho thở ôxy dòng cao chủ động để hạn chế tối đa nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng,” TS.BS Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm.
Được biết, các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng nếu được kịp thời thở oxy dòng cao chủ động, sẽ có khoảng 70% bệnh nhân chuyển biến tốt hơn. Do đó việc phát hiện sớm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh nhân chuyển nặng.
Đặc biệt, trong thời gian qua đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân được chuyển đến các tầng điều trị chưa phù hợp với mức độ bệnh, điều này đã tạo nên những hệ quả ảnh hưởng đến công tác điều trị. Do đó, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cũng thành lập đội điều phối chuyển bệnh để phối hợp với các đơn vị khác trong hệ thống điều trị COVID-19 nhằm có sự trao đổi, hội chẩn, điều phối, chuẩn bị phù hợp trong quá trình chuyển bệnh nhân giữa các tuyến điều trị.
TS.BSCKII Nguyễn Tri Thức chia sẻ thêm, việc này sẽ giúp việc chuẩn bị, chỉ định chuyển bệnh phù hợp hơn, hạn chế nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng trong quá trình chuyển bệnh. Đối với bệnh viện tiếp nhận cũng sẽ có sự chủ động trong việc chuẩn bị nơi tiếp nhận, trang thiết bị, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm từ bệnh nhân cho nhân viên y tế.
Vẫn miệt mài với bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bên cạnh việc cử lực lượng “tinh nhuệ” đến điều trị bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 (thành phố Thủ Đức), đồng thời chi viện hàng trăm y bác sĩ cho các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TPHCM. Bệnh viện Chợ Rẫy còn cử các bác sĩ hồi sức cấp cứu tham gia đoàn của Bộ Y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, tham gia lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19, tiêm vắc xin cho người dân TPHCM…. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ quan trọng khác để chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
|
Các bác sĩ BV Chợ Rẫy quyết tâm chiến thắng đại dịch |
Ngay tại các khu cách ly ở khoa Bệnh nhiệt đới và khoa Hồi sức Cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy, các ê-kíp y bác sĩ vẫn miệt mài ngày đêm điều trị cho những trường hợp nhiễm COVID-19 nặng.
Trong khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại khoa Hồi sức Cấp cứu khu D, Bệnh viện Chợ Rẫy, không thể hình dung sự nguy hiểm của SARS-CoV-2, về sự vất vả của các “chiến sĩ áo trắng” và quyết tâm của họ trong cuộc chiến này.
Lúc này đây, bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 có khi phải làm cả công việc của người điều dưỡng, còn lực lượng điều dưỡng có khi cũng phải đảm nhiệm của công tác của hộ lý. Họ, lực lượng y tế điều trị cho các bệnh nhân Covid - 19, không còn phân biệt công việc này là của ai, công việc nọ là của người nào. Tất cả hỗ trợ nhau.