Có lẽ trải nghiệm lần đầu sinh nở này đáng sợ ngoài sức tưởng tượng của bà mẹ trẻ Nguyễn Hoài Thảo Nguyên (27 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.Hồ Chí Minh) - mẹ bé Nguyễn Hoài Bảo Nhi (23 tháng tuổi).
Bị bong nhau tiền đạo ở tuần thứ 37, chị Nguyên được yêu cầu mổ cấp cứu. Trong một tuần ở viện, bà mẹ 9x được các y tá, hộ lý hỗ trợ nên mọi chuyện đều tốt. Nhưng đến khi xuất viện, câu chuyện ám ảnh mới bắt đầu.
Nghe lời khuyên của người lớn trong nhà, chị Thảo Nguyên kiêng cữ khá kĩ càng đúng như các cụ dạy. Kết quả, chị Thảo Nguyên bị nhiễm trùng vết mổ đẻ nghiêm trọng vì "cẩn tắc vô áy náy".
|
Chị Thảo Nguyên bị nhiễm trùng vết mổ sau khi xuất viện trở về nhà (Ảnh: NVCC) |
Cách kiêng cữ của chị Thảo Nguyên
- Kiêng tắm gội trong một tháng ở cữ, thay vào đó là xông hơi nửa tiếng hàng ngày bằng nồi nước lá xông được nấu từ đủ loại lá cây như lá me, bưởi, lá xông...).
- Thoa người hàng ngày bằng rượu gừng đã được ủ dưới đất 3 tháng trước ngày sinh với mong muốn loại bỏ lớp da cũ, làm trắng hồng da.
- Hơ nóng gạch áp vào bụng với hi vọng giảm nhanh kích thước vòng bụng vẫn còn quá khổ sau sinh…
Trong khi đó, chị chỉ băng kín vết mổ bằng gạc sạch, không vệ sinh bằng nước muối vì cho rằng phải tránh nước thì vết mổ sẽ tự lành. Sau 2 tuần, vết mổ bị đọng nước từ mồ hôi và nước xông hơi, vết mổ bị sưng đỏ tấy và mưng mủ. Đau đớn, lo lắng, chị Thảo Nguyên lập tức đến bệnh viện kiểm tra thì được bác sĩ thông báo là vết mổ đã nhiễm trùng, phải nhập viện điều trị gấp...
Chị Thảo Nguyên cho biết, các dấu hiệu đầu tiên mắc phải là sốt cao, sốt thành từng cơn, người ớn lạnh không tài nào ngủ được, uống thuốc hạ sốt xong vài tiếng là sốt lại, người lừ đừ, hoa mắt chóng mặt. Sang ngày thứ 3 thì mủ từ vết mổ bắt đầu chảy ra rất nhiều có kèm máu đỏ.
|
Hình ảnh vết mổ sau 2 ngày được hút mủ điều trị nhiễm trùng (Ảnh: NVCC).
|
Tại bệnh viện, các y bác sĩ đã rửa hút vết thương sạch sẽ và tiêm kháng sinh trong 4 ngày liên tục và chỉ định phải điều trị bằng kháng sinh trong vòng 1 tháng. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bé Bảo Nhi vừa mới sinh xong sẽ phải ở nhà và thiếu sữa mẹ. Vì vậy, chị quyết định xin xuất viện với điều kiện sẽ có y tá đến làm vệ sinh vết mổ nhiễm trùng hàng ngày trong vòng một tháng kể từ ngày bị nhiễm trùng, đồng thời phải dùng kháng sinh tại nhà và thăm khám hàng tuần.
Bên cạnh đó, chị cũng xin ý kiến của bác sĩ có nên cho con bú sữa mẹ hay không. Cuối cùng, chị vẫn quyết định vẫn duy trì cho bé bú mẹ nhưng xen kẽ với uống sữa bột trong 1 tháng dùng kháng sinh. Sau khi kết thúc quá trình dùng kháng sinh thì chị lại chuyển qua cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Trộm vía con vẫn ngoan khỏe và giờ Bảo Nhi đã được 23 tháng tuổi!
2 tuần đầu vết mổ được vệ sinh với nước sát trùng povidone iodine, bông tiệt trùng và cắt bỏ các phần bị hoại tử, 2 tuần sau khi vết mổ có dấu hiệu phục hồi thì tiếp tục được rửa sạch bằng nước muối sinh lý và thay băng sạch liên tục. Sau một tháng, vết mổ đã bắt đầu lên da non liền lại.
Bác sĩ điều trị cho chị Thảo Nguyên cho biết, trường hợp của chị vẫn may mắn. Nhiều trường hợp khác nhập viện khi vết nhiễm trùng đã bị hoại tử nặng. Điều này đặc biệt nguy hiểm tới tính mạng của sản phụ cũng như việc sinh nở sau này.
Cách phòng tránh nhiễm trùng vết mổ
- Chườm và vệ sinh cơ thể hàng ngày. Không nên để cơ thể ứ đọng mồ hôi, chất bẩn sẽ ảnh hưởng tới vết thương.
- Vệ sinh vết mổ hàng ngày bằng nước muối sinh lý là tốt nhất.
- Bảo vệ vết mổ với băng vô trùng, tránh để vết mổ đọng ứ nước, thay băng hàng ngày
- Trong trường hợp chẳng may bị nhiễm trùng với các dấu hiệu như: sốt cao, sốt từng cơn, vết mổ sưng tấy, chảy mủ lẫn máu thì ngay lập tức phải vào bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xử lý kịp thời, tránh những biến chứng gây hại cho cơ thể.
- Sau khi được ra viện tiếp tục vệ sinh giữ sạch vết mổ tới khi vết thương khép miệng hoàn toàn. Nếu không tự tin trong việc vệ sinh vết mổ đã bị nhiễm trùng, các mẹ có thể thuê y tá tới nhà vệ sinh giúp.