Trung tâm này vừa mới tiếp nhận 5 bệnh nhân bị ngộ độc nấm được chuyển xuống điều trị từ Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên và hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, 5 bệnh nhân đều trú tại Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên gồm: hai vợ chồng bà Vũ Thị Hồi (60 tuổi) và Triệu Nho Phú (56 tuổi), hai mẹ con là chị Lý Thị Thơm (35 tuổi), con trai Lý Minh Khôi (13 tuổi) và cháu họ chị Thơm là Lý Thị Thùy (14 tuổi).
|
Bệnh nhân ngộ độc nấm đang được điều trị |
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, ngày 8/3, chị Thơm cùng con trai là cháu Khôi lên rừng hái nấm. Sau khi hái được 1,5kg nấm tán trắng, 3 người trong gia đình chị Thơm có ghé qua nhà của vợ chồng ông Phú và bà Hồi nấu cơm ăn cùng.
Sau khi ăn khoảng 15 tiếng, tất cả đều có triệu chứng: đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy dữ dội. Các nạn nhân được đưa đến Trung tâm y tế huyện Võ Nhai, sau đó lại được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Do tình trạng bệnh quá nặng, bệnh viện tỉnh đã chuyển cả 5 bệnh nhân đến Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) vào tối 9/3.
BS Nguyễn Kim Sơn, Phó GĐ Trung tâm chống độc cho biết, các bệnh nhân trên được đưa đến Trung tâm trong tình trạng nặng, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa, huyết áp tụt, mất nhiều nước, men gan tăng từ 3-5 lần so với bình thường và và có các dấu hiệu nhiễm độc gan cấp.
Trong đó, trường hợp nặng nhất là bệnh nhân Vũ Thị Hồi, 60 tuổi, nhập viện trong tình trạng sốc, tụt huyết áp, trụy mạch, kèm theo hội chứng rối loạn tiêu hóa: nôn mửa, tiêu chảy…
Bác sĩ Nguyễn Kim Sơn cho biết thêm, do tình trạng ngộ độc khá nặng nên việc điều trị cho những bệnh nhân này sẽ phải kéo dài với chi phí vô cùng tốn kém. Các bệnh nhân đang điều trị lại hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện đã phải cung cấp suất ăn miễn phí cho cả bệnh nhân và người nhà đi theo. Hơn nữa, cả 5 bệnh nhân bắt đầu có men gan tăng cao gấp đôi so với thời điểm mới vào. Tất cả đều trong tình trạng nguy kịch.
|
Hình ảnh phân biệt nấm ăn được và nấm độc |
Trong cùng một diễn biến, hôm nay (10/3) TS. Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cùng với cán bộ phòng chuyên môn thuộc Cục đã xuống Trung tâm phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để nắm tình hình bệnh nhân, công tác điều trị, trực tiếp thăm hỏi, động viên các bệnh nhân trong vụ ngộ độc.
Tại buổi làm việc TS. Nguyễn Thanh Phong đã cảm ơn Trung tâm phòng chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã phối hợp chặt chẽ với Cục An toàn thực phẩm trong hoạt động triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, đặc biệt đã xây dựng và hướng dẫn phác đồ điều trị ngộ độc do nấm độc tới tuyến tỉnh, huyện tại các địa phương thường xảy ra ngộ độc nấm; đã cấp cứu, điều trị hiệu quả, cứu sống nhiều bệnh nhân trong vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên (trong đó có nấm độc).
Hiện nay, mặc dù công tác phòng chống ngộ độc do nấm độc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng xong nguy cơ ngộ độc do nấm độc vẫn rất cao, đặc biệt vào mùa Xuân Hè, ở các tỉnh Miền núi Phía Bắc và ở đồng bào dân tộc thiểu số. Để phòng chống ngộ độc do nấm độc, Phó Cục trưởng đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của người tiêu dùng và khuyến cáo người dân:
- Tuyệt đối không hái, sử dụng nấm lạ, nấm không rõ nguồn gốc để ăn dù chỉ là một lần.
- Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc liên quan đến việc ăn nấm cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.