Cố vấn Khoa học của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Avinash Chander cho hay, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí. Đầu tiên, nước này sẽ bán hệ thống phát hiện tàu ngầm cho Hải quân Myanmar.
“Chúng tôi đã nội địa hóa toàn bộ hệ thống định vị thủy âm phát hiện tàu ngầm và các loại radar khác. Hệ thống định vị thủy âm của chúng tôi sẽ được xuất khẩu tới Myanmar”, ông Chander trả lời báo giới sau hội thảo về ứng dụng các hệ thống điện tử trên đại dương tổ chức tại Đại học Khoa học và Công nghệ Cochin.
Cũng theo ông Chander, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) sẽ bắt đầu bán vũ khí cho các nước thân thuộc.
“DRDO sẽ xuất hiện tại Triển lãm Hàng không và Quốc phòng tại Seoul cuối tháng 10 với một số sản phẩm như tên lửa phòng không Akash, máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas và hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Pragati”, Ông Chander cho biết.
|
Xe tăng chiến đấu Arjun do Ấn Độ tự chế tạo.
|
Ông Chander cho hay, hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) được DRDO phát triển cũng sẽ được tích hợp vào 2 tàu ngầm lớp Scorpene đang được đóng tại cảng Mazagon dựa trên các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Pháp.
Phát biểu về số lượng vệ tinh cần thiết của Ấn Độ để kiểm soát tốt khu vực Ấn Độ Dương, ông Chander cho rằng nước này cần từ 80-100 vệ tinh. Ấn Độ sẽ cần các vệ tinh giá rẻ và có khả năng mở rộng. Ông cũng bổ sung rằng 19 vệ tinh đang theo dõi Ấn Độ Dương.
Cho biết về loại máy bay Tejas, ông Chander nói rằng, chiếc Tejas với cấu hình Mark-1 sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2013 và sản xuất hàng loạt vào năm 2014.
Về phần xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa Arjun Mark 2 mặc dù gặp một số vấn đề trong quá trình thử nghiệm nhưng cũng sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Ông Chander cũng hi vọng Ấn Độ sẽ bắt đầu đưa vào phục vụ tên lửa với tầm bắn 5000km Agni-V trong vòng 2 năm. “Nhưng trước đó Ấn Độ vẫn cần 3-4 lần bắn thử”, ông Chander nhấn mạnh.
Về máy bay chiến đấu tầm trung tàng hình (AMCA), ông Chander cho biết vẫn ở trong bản nháp và cấu hình cơ bản đang được hoàn thiện.