Đây được xem là sự kiện mang tính bước ngoặt trong dự án trị giá 5 tỷ USD nhằm nâng cao sức mạnh Ấn Độ đối phó với sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Khi INS Vikrant đi vào hoạt động đầy đủ trong năm 2018, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới tự thiết kế và chế tạo tàu sân bay của riêng mình, đi trước Trung Quốc tham gia câu lạc bộ các nước chế tạo tàu sân bay gồm: Anh, Pháp, Nga và Mỹ.
“Đây là cột mốc đáng chú ý. Tuy nó chỉ là bước đầu tiên trong hành trình dài nhưng rất quan trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng AK Antony phát biểu khi đứng trước thân tàu sân bay INS Vikrant tại nhà máy đóng tàu Kochi.
Theo các nhà phân tích, sau khi hạ thủy, con tàu này sẽ được trang bị vũ khí, thiết bị máy móc rồi bước vào cuộc thử nghiệm trong vòng 4 năm tới.
Trong khi thân tàu, thiết kế và một số máy móc của tàu được sản xuất trong nước, hầu hết hệ thống vũ khí và hệ thống động cơ đẩy sẽ nhập khẩu từ nước ngoài.
|
Thân tàu sân bay INS Vikrant.
|
Theo truyền thông Ấn Độ, lượng giãn nước toàn tải của tàu sân bay INS Vikrant lên tới 40.000 tấn, dài 260m, thủy thủ đoàn 1.400 người. Tàu trang bị động cơ thông thường cho phép đạt tốc độ tối đa 28 hải lý/h, tầm hoạt động 15.000km. Tàu thiết kế boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu (không dùng máy phóng), mang tổng cộng 30 máy bay (gồm 20 tiêm kích và 10 trực thăng).
Về loại tiêm kích hạm chủ lực trang bị cho INS Vikrant, Ấn Độ quyết định dùng biến thể cất hạ cánh trên tàu sân bay MiG-29K của tiêm kích đánh chặn MiG-29.
"Vai trò chính của tàu INS Vikrant là bảo vệ hạm đội hải quân của chúng tôi và có lẽ nó sẽ không được sử dụng cho các cuộc tấn công mặt đất", Đô đốc đã nghỉ hưu K. Raja Menon nói.