Theo tờ Yomiuri Shimbun, Bộ quốc phòng Nhật Bản sẽ đưa phương châm triển khai máy bay cảnh báo mới thay thế máy bay cảnh báo E-2C trong năm 2015 vào Đại cương kế hoạch phòng vệ mới và kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ giai đoạn trung hạn. Hiện nay, một trong những đối tượng được lựa chọn là máy bay cảnh báo E-737 do công ty Boeing Mỹ chế tạo.
Chuyên gia quân sự Lý Lợi khi trao đổi với báo chí Trung Quốc cho biết, mục đích chủ yếu Nhật Bản triển khai máy bay cảnh báo mới là theo dõi giám sát các hoạt động ngoài khơi của Hải quân Trung Quốc.
|
Máy bay cảnh báo sớm đường không E-737 mà Nhật Bản có thể trang bị trong tương lai.
|
Máy bay cảnh báo E-737 được trang bị radar thế hệ mới nhất, có thể thực hiện tiếp nhiên liệu trên không. Hiện nay, máy bay cảnh báo E-2C của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF)có tầm bay ngắn, lại không thể tiếp nhiên liệu trên không, khiến thời gian hoạt động tại khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư rất hạn chế, chỉ được 4 tiếng.
Việc triển khai máy bay cảnh báo E-737 sẽ thuận lợi cho việc tiến hành hoạt động cảnh giới giám sát với thời gian dài của JSDF.
E-737 trang bị hệ thống radar mạng pha chủ động đa năng cho phép trinh sát đồng thời trên không, trên biển với tầm tối đa 600km. Trong chế độ tìm kiếm mục tiêu kích cỡ tiêm kích, tầm trinh sát đạt đến 370km. Khi sử dụng tìm kiếm mục tiêu tàu chiến, tầm trinh sát đạt đến 240km. Đặc biệt, hệ thống radar này có thể theo dõi đồng thời 180 mục tiêu và thực hiện điều khiển tiêm kích đánh chặn 24 mục tiêu.
Ngoài ra, năm 2014 JSDF sẽ đưa một số máy bay cảnh báo E-2C triển khai tại căn cứ Misawa, tỉnh Aomori của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JSDF) đến giám sát biển Hoa Đông.
|
E-737 trang bị 2 động cơ CFM56-7B27A cho tầm bay tới 6.482km. |
Bình luận mục đích Nhật Bản triển khai máy bay cảnh báo mới, chuyên gia Trung Quốc Lý Lợi cho rằng, Nhật Bản không chỉ có cái khái niệm triển khai máy bay cảnh báo mới, mà còn hơn thế là muốn giám sát Hải quân Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất ra biển xa.
Trước kia, phi vụ triển khai máy bay cảnh báo của Nhật Bản trong một năm là hơn 20 lần, nhưng từ tháng 4/2012 và cho đến nay trong thời gian chưa đến 1 năm đã hơn 200 lần.
Điều này cho thấy Nhật Bản không chỉ có máy bay chiến đấu giám sát toàn bộ quá trình huấn luyện viễn dương của Trung Quốc, mà còn bao gồm cả máy bay chống ngầm P-3C. Trong tương lai máy bay cảnh báo E-737 đều sẽ xuất hiện trong đội ngũ giám sát theo dõi toàn diện.
Nhật Bản có 13 máy bay cảnh báo sớm tầm ngắn E-2C, 4 máy bay cảnh báo tầm xa E-767, tương lai có thể là E-737. “Với diện tích đất liền nhỏ như vậy, việc triển khai nhiều máy bay cảnh báo của Nhật Bản mục đích chủ yếu vẫn là tăng cường khả năng giám sát đối với hoạt động viễn dương của Hải quân Trung Quốc”, ông Lý Lợi nhận định.