Tân Hoa Xã đưa tin, Hải quân Thái Lan sẽ hoàn thành việc xây dựng trung tâm chỉ huy đơn vị tàu ngầm và trung tâm huấn luyện vào tháng 3/2014. Dự án này được khởi công từ năm 2012 tại căn cứ hải quân Sattahip, tỉnh Chon Buri.
Theo nguồn tin quân đội, việc xây dựng trung tâm tàu ngầm phải cần đến 540 triệu baht (khoảng 17,2 triệu USD), trong đó có 200 triệu baht (khoảng 6,3 triệu USD) dùng để huấn luyện chỉ huy tàu ngầm và mua thiết bị huấn luyện cho thủy thủ tàu. Tuy nhiên, tính cho tới thời điểm hiện tại nước này vẫn chưa ký kết hay mua sắm bất kỳ một tàu ngầm nào.
Trước đó, tháng 4/2011, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Thái Lan đã lập kế hoạch xây dựng đơn vị tàu ngầm và hy vọng chính phủ Thái Lan thông qua một khoản tiền 7 tỷ baht (khoảng 223,2 triệu USD) để mua 4 tàu ngầm phi hạt nhân Type 206 của Đức. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan không phê chuẩn kỳ hạn mua tàu ngầm của Đức.
Nhưng với tình hình hiện tại, các nước láng giềng của Thái Lan như Indonesia, Singapore, Malaysia… đang tăng cường xây lực lượng tàu ngầm trong nước. Và tổng cộng đã có 19 tàu ngầm được triển khai tại khu vực biển xung quanh Thái Lan. Vì vậy, Thái Lan cảm thấy lo ngại về an ninh đối với tuyến vận tải trên biển. Hải quân Thái Lan cho rằng, tàu ngầm sẽ đóng vai trò có “1-0-2” đối với chiến lược biển của Thái Lan.
|
Thái Lan dự định mua 4 tàu ngầm đã qua sử dụng Type 206 của Đức nhưng sau cùng đã không thực hiện.
|
Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch phát triển quân đội trong 10 năm mà quan chức cấp cao của Thái Lan xác định, tàu ngầm cũng đã được đưa vào trong kế hoạch 10 năm của Hải quân Thái Lan.
Theo quan chức quân đội Thái Lan, Hải quân cần ít 3 tàu ngầm, lượng giãn nước từ 500 đến 3.000 tấn. Ngoài ra ông này còn bác bỏ ý kiến cho rằng, vịnh Thái Lan quá nông không thích hợp cho tác chiến tàu ngầm và bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận gần khu vực vịnh Thái Lan của các nước khác.
Căn cứ vào kế hoạch, Hải quân Thái Lan đã gửi 18 học viên hải quân đến Đức để tiến hành huấn luyến tàu ngầm trong vòng 32 tuần. Ngoài ra còn có 10 lính hải quân đến Hàn Quốc để thực hiện huấn luyện tương tự trong 8 tuần. Hải quân Thái Lan cũng có kế hoạch gửi nhiều lính hải quân tham gia vào các cuộc tập trận và hội thảo nghiên cứu của nước ngoài, để nâng cao khả năng vận hành và tác chiến của thủy thủ tàu ngầm.
Hiện nay, Hải quân Thái Lan là một lực lượng đáng gờm trong khu vực Đông Nam Á với việc sở hữu hơn 10 tàu hộ vệ tên lửa cỡ lớn, một số tàu cỡ nhỏ và đặc biệt là một tàu sân bay hạng nhẹ Chakri Naruebet. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tàu ngầm, nước này tỏ ra chậm chân so với các quốc gia Đông Nam Á khác.