Đài truyền hình NHK, Nhật Bản cho biết, các đơn vị liên quan của hai nước sẽ bắt đầu sản xuất các thành phần của tên lửa đánh chặn SM-3 block IIA tại Nhật Bản. Tên lửa đánh chặn mới sẽ được tiến hành thử nghiệm vào đầu năm 2017 trên các tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tại một địa điểm gần Hawaii.
Thông tin về việc sản xuất tên lửa đánh chặn mới được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên công bố video thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Các nhà phân tích cho rằng, động thái mới của Washington và Tokyo là một phản ứng trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Trước đó vào ngày 6/1, Bình Nhưỡng bất ngờ thử bom nhiệt hạch gây nên cơn địa chấn mạnh 5,1 độ richter cách khu vực Punggye-ri - nơi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2013 - khoảng 49 km.
|
Tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3 có thể vô hiệu hóa tên lửa đạn đạo liên lục địa ở bên ngoài bầu khí quyển. |
RIM-161 SM-3 là tên lửa đánh chặn tầm siêu xa do tập đoàn Raytheon phát triển. Đây là biến thể mở rộng từ tên lửa SM-2ER block IV. Tên lửa được phát triển cho chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trên biển (Aegis Ballistic Missile Defense System).
Về cơ bản SM-3 giống với SM-2ER lô IV, với việc sử dụng chung động cơ đẩy phụ Mk-72 như SM-2. Tuy nhiên, SM-3 được trang bị thêm một tầng đẩy thứ 3 Mk136, hay còn gọi là tầng đẩy tăng cường thay vì chỉ có 2 tầng đẩy như SM-2ER. Tầng đẩy tăng cường Mk136 được phát triển bởi công ty hàng không vũ trụ Alliant Techsystems Inc (ATK) của Mỹ.
Tên lửa SM-3 được trang bị module đánh chặn không thuốc nổ LEAP theo công nghệ “truy đuổi – tiêu diệt”. LEAP sẽ tự động tìm kiếm mục tiêu thông qua các dữ liệu được hệ thống Aegis của tàu phóng cung cấp.
LEAP được trang bị cảm biến hồng ngoại FWIR cùng radar bán chủ động để xác định mục tiêu. Nó tiêu diệt mục tiêu nhờ vào động năng của vụ va chạm ở tốc độ cao. Theo tính toán, động năng của vụ va chạm có thể đạt 130 Jun, tương đương với 31kg TNT. LEAP không sử dụng thuốc nổ nên có thêm nhiều không gian để lắp các hệ thống điện tử có khả năng đánh trúng mục tiêu với độ chính xác rất cao.
Hiện tại, Hải quân Mỹ đang sử dụng phiên bản SM-3 block IA với tầm bắn 700 km, tầm cao 500 km. Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản là quốc gia thứ 2 sau Mỹ được trang bị SM-3 trong chương trình phòng thủ tên lửa chung.
Trong khi đó, phiên bản SM-3 block IIA sẽ có tầm bắn tới 2.500 km, tầm cao 1.500 km. Tên lửa này có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa từ bên ngoài bầu khí quyển. Năng lực phòng thủ tên lửa chung của Mỹ và Nhật Bản sẽ được nâng cao đáng kể khi SM-3 block IIA đi vào hoạt động.