Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin, Nhật Bản sẽ tạm hoãn việc đưa vào trang bị chính thức các máy bay vận tải quân sự Kawasaki C-2 sau khi một cánh cửa của máy bay bị phá vỡ trong quá trình thử nghiệm kiểm tra áp suất thân máy bay vào đầu năm nay.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản cho hay, trong bản báo cáo của Bộ Quốc Phòng Nhật Bản hôm 16/6 được công bố với giới truyền thông thì sự cố trên khá nghiêm trọng và thời gian đưa C-2 vào trang bị sẽ được hoãn lại cho đến khi có kết quả điều tra chính thức. Được biết, cuộc thử nghiệm trên được thực hiện tại căn cứ không quân Gifu thuộc Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF).
|
Mẫu thử nghiệm Kawasaki C-2.
|
Hiện tại, Viện nghiên cứu và phát triển kỹ thuật Nhật Bản (TRDI) đang tiến hành điều tra sự cố trên. Trong khi đó thời gian tạm hoãn đưa C-2 vào trang bị cho JSDF dự kiến có thể kéo dài 2 năm.
Dự kiến, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản sẽ triển khai các máy bay vận tải quân sự C-2 đầu tiên tại căn cứ không quân Miho ở thành phố Sakaiminato, tỉnh Tottori. Và quá trình chuyển giao sẽ chính thức thực hiện vào đầu năm 2015.
Cho đến nay, người phát ngôn của tập đoàn công nghiệp nặng Kawasaki vẫn từ chối bình luận hay cung cấp bất kỳ thông tin gì liên quan đến tai nạn của C-2. Tập đoàn Kawasaki chỉ mới sản xuất 2 chiếc C-2 dành cho quá trình thử nghiệm, sau sự cố trên phía Kawasaki cũng tiến hành hỗ trợ TRDI điều tra nguyên nhân cũng như khắc phục, sửa chữa chiếc C-2 bị hư hỏng.
Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) dự tính sẽ mua 60 chiếc C-2 để thay thế cho những chiếc máy bay vận tải C-1 và C-130H đã lỗi thời. Dự kiến 10 chiếc C-2 đầu tiên sẽ được hoàn thành và bàn giao cho JASDF trong 4 năm tới.
|
Máy bay vận tải hạng nặng C-2 sẽ thay thế cho mẫu C-1 và C-130H đã lỗi thời.
|
Ngoài ra, Bộ Quốc Phòng Nhật Bản còn phê duyệt việc mua lại 6 chiếc máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu trên không KC-130R từ Mỹ để thay thế cho những chiếc YS-11 đã hết niên hạn sử dụng.
Việc Nhật Bản chi mạnh tay cho lực lượng hỗ trợ đường không là điều dễ hiểu khi trong suốt thời gian gần đây, JASDF bị đánh giá là thiếu linh động trong thảm họa sóng thần năm 2011 và trước tình hình tranh chấp lãnh thổ trên biển với các quốc gia láng giềng. Ngoài phiên bản quân sự, tập đoàn Kawasaki còn có thêm một phiên bản máy bay vận tải dân sự cũng dựa trên thiết kế của C-2 là YCX.
Kawasaki C-2 có chiều dài 44m, trọng lượng cất cánh tối đa là 141 tấn (tải trọng gần 40 tấn), được trang bị 2 động cơ phản lực GE CF6-80C2K1F cho tốc độ di chuyển tối đa 890km/h, với trần bay 12.200m, tầm bay 6.500km.