3 năm sau chuyến bay thử đầu tiên của mẫu máy bay chiến đấu tàng hình Chengdu J-20, tờ tạp chí chuyên về quốc phòng Kanwa Defense Review cho biết, các nhà thiết kế máy bay trên thế giới vẫn đặt câu hỏi về việc liệu J-20 có thể được coi là máy bay chiến đấu thế hệ 5 hay không?
Các nhà thiết kế máy bay từ Nga, Ba Lan và Mỹ đều hiếm khi đưa ra các bình luận chê bai về thiết kế của các mẫu máy bay khác, tuy nhiên khi nhắc đến J-20 các chuyên gia này đều có cái nhìn không tốt. Thiết kế trưởng của Viện Thiết kế Máy bay Quân sự Mikoyan Nga cho biết, thiết kế của J-31 đối với ông còn dễ hiểu hơn so với thiết kế của J-20.
Còn thiết kế trưởng của công ty Sukhoi của Nga, J-20 không thể được coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 khi không có tính năng bay đường dài với vận tốc siêu âm. Ngoài ra, ông này cũng đặt câu hỏi về khả năng tàng hình của J-20.
|
Tiêm kích J-20.
|
Một chuyên gia hàng không từ Ba Lan cho biết, mẫu thiết kế của J-20 là khá cũ vì cánh trước của nó sẽ làm tăng khả năng bị radar và máy bay cảnh báo sớm phát hiện.
Cũng theo góc nhìn của một chuyên gia từ hãng Lockheed Martin, J-20 có kích thước quá lớn so với một máy bay tàng hình. “J-20 có kích thước tương đương với mẫu máy bay chiến đấu F-111 của Mỹ, tuy nhiên Trung Quốc khó có thể có được động cơ với lực đẩy cần thiết cho loại máy bay chiến đấu này”, ông này nói.
Nhưng theo tờ Kanwa, sẽ là không công bằng khi đánh giá J-20 với các chuẩn mực của máy bay được Mỹ và Nga phát triển khi J-20 được các chuyên gia Trung Quốc tự thiết kế. Trung Quốc đã đầu tư khá nhiều tài nguyên vào việc phát triển J-20. Tờ báo này cũng cho biết Trung Quốc có thể giải quyết vấn đề động cơ bằng cách sử dụng động cơ phản lực có kiểm soát véc tơ lực đẩy AL31FM1 từ Nga.