Thông tin mới này đã được tờ báo Vedomosti dẫn nguồn tin từ ngành công nghiệp hàng không Nga cho biết và được tờ Sputniknews dẫn lại hôm 25/5.
Theo đó, Nga đã đồng ý phê duyệt một hợp đồng chuyển 46 tiêm kích đánh chặn MiG-29 (được NATO định danh là Fulcrum) cho Ai Cập. Thương vụ này dự kiến sẽ được ký kết trong thời gian sớm nhất, với số tiền ước tính 2 tỉ USD.
Nguồn tin trên còn cho hay, các cuộc đàm phán để giao các máy bay đã được hai phía tiến hành trong một thời gian dài.
|
Tiêm kích MiG-29 của Nga.
|
Trước đó vào tháng 2/2015, Giám đốc điều hành Tập đoàn máy bay MiG Nga Sergei Korotkov nói rằng công ty đã sẵn sàng cấp các máy bay MiG-35 cho Ai Cập. Đây là kiểu chiến đấu cơ thuộc thế hệ mới nhất của Nga và là phiên bản kế nhiệm của MiG-29M/M2 và MiG-29K/KUB.
Trong khi đấy theo đánh giá thường niên về khả năng quân sự và chi tiêu quốc phòng của 171 quốc gia do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thực hiện tiết lộ, Ai Cập đang dựa chủ yếu trên phi đội F-16 do Mỹ chế tạo, Mirage 2000 của Pháp, và J-7 của Trung Quốc.
Kể từ sau khi nhóm Anh em Hồi giáo mất quyền lực ở Ai Cập vào năm 2013, Mỹ đã ngưng việc viện trợ quân sự cho quốc gia này. Sau đó Ai Cập cũng có phần lạnh nhạt với các thiết bị vũ khí Mỹ.
Trong bối cảnh đó, tiêm kích MiG-29 của Nga đã trở thành lựa chọn ưa thích của Ai Cập để thay thế phi đội già cỗi J-7 có xuất xứ từ Trung Quốc.
Hợp đồng mua bán này sẽ là một thương vụ bán máy bay MiG-29 lớn nhất kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.
Từ tháng 2/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp gỡ với lãnh đạo Ai Cập. Sau cuộc hội đàm, các phương tiện truyền thông cho biết Nga và Ai Cập đã bước đầu đạt được một hợp đồng lớn để chuyển các sản phẩm quân sự công nghệ cao của Nga, trong đó có các tiêm kích MiG-29.
Không chỉ thế, gần đây Nga và Ai Cập đã có những tăng cường hợp tác công nghệ-quân sự. Trong tháng 3/2015, Nga đã bắt đầu chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300VM “Antey-2500” (SA-23 Gladiator/Giant) cho Ai Cập theo một đơn đặt hàng được ký kết với chính quyền Cairo từ năm 2014.