Quân đội Nga đang tích cực tiến hành các hoạt động để xây dựng lá chắn tên lửa tương tự như chương trình phòng thủ tên lửa xuyên quốc gia NMD của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra bởi một quan chức cấp cao của Almaz-Antey, nhà phát triển quốc phòng hàng đầu của Nga.
Theo đó, tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga đang tiến hành hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 để bảo vệ thủ đô Moscow trước một cuộc tấn công tiềm tàng bằng tên lửa
hạt nhân.
Thực tế, Nga đã cố gắng tìm kiếm hệ thống mới thay A-135 nhưng kế hoạch này chưa đi tới đâu. Paul Sozinov, một nhà thiết kế làm việc tại Almaz-Antey tiết lộ, Nga đang tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa riêng tương tự hệ thống của Mỹ để giải quyết các vấn đề đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung và ở mức độ hạn chế tên lửa liên lục địa.
“Một hệ thống tương tự hệ thống THAAD của Mỹ đang được chế tạo tại Nga. Bộ Quốc phòng đã yêu cầu hệ thống phải có khả năng đánh chặn hiệu quả hơn loại của người Mỹ”, ông nói. Dự kiến hệ thống đánh chặn này sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.
|
Nga sẽ "trẻ hóa" siêu tên lửa đánh chặn A-135 để đối phó với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ
|
Tuy nhiên, hệ thống đánh chặn của Nga đang lặp lại những vấn đề tương tự hệ thống của Mỹ về hiệu suất, phạm vi. Đó là lý do tại sao quân đội Nga quyết định nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 để tăng cường bảo vệ Moscow.
Theo một số nguồn tin không chính thức, các siêu tên lửa đánh chặn của A-135 sẽ được nâng cấp, cải thiện độ chính xác để nâng cao hiệu suất đánh chặn. Đạn đánh chặn có thể sẽ thay thế đầu đạn hoặc sử dụng động năng của vụ va chạm tốc độ cao để tiêu diệt mục tiêu. Theo Vz.ru, siêu tên lửa đánh chặn A-135 nâng cấp đã tiến hành thử nghiệm thành công vài tuần trước. Tuy nhiên nó vẫn còn khá xa để hoàn thành quá trình nâng cấp.
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga hiện nay chủ yếu dựa vào hệ thống phòng không tầm xa S-400. Nó có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao từ 5-30.000 mét. Một hệ thống tối tân hơn đang được phát triển là S-500 dự kiến sẽ có tính năng mạnh hơn.
Tương lai, quân đội Nga sẽ dựa vào sự kết hợp giữa S-500 và A-135 để thiết lập chiếc ô phòng thủ tên lửa bảo vệ cho Thủ đô Moscow. Tên lửa đánh chặn A-135 sau đó sẽ được thay thế bằng một loại khác tối tân hơn là A-235.
Hệ thống phòng thủ tên lửa A-135 (NATO định danh là ABM-3) chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, thay thế cho hệ thống A-35 xây dựng dưới thời Liên Xô. Nó được cấu hành từ 3 thành phần chính gồm: radar mạng pha kiểm soát chiến trường Don-2N và 2 loại tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Trogn đó, Don-2N (NATO định danh là Pill Box) là hệ thống radar cảnh báo sớm và phòng thủ tên lửa cỡ lớn được thiết kế độc đáo như kim tự tháp không chóp. Nó thậm chí được ví như là một trong những kỳ quan thế giới quân sự hiện đại. 4 mặt của “kim tự tháp” Don-2N lắp một anten mạng pha đường kính 18m cho tầm trinh sát 1.500-2.000km.
Hệ thống A-135 được thiết kế với 2 loại đạn tên lửa đánh chặn chính gồm: 51T6 có tầm bắn 350km (có 16 quả thường trực ống phóng đặt ở 2 vị trí, mỗi nơi 8 ống phóng thẳng đứng) và 53T6 có tầm bắn 100km (có 68 quả thường trực đặt ở 5 vị trí, mỗi nơi có 12-16 ống phóng). Các ống phóng đều thiết kế chôn sâu dưới lòng đất.