Để đối phó với tình hình căng thẳng liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Không quân Phần Lan đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm tăng cường và củng cố thế trận trên không. Diễn tập không đối không diễn ra tại các căn cứ không quân Rovaniemi, Oulu, Kuopio-Rissala, và Pudasjärvi ở phía Bắc.
Trong khi đó các phi vụ giám sát được tiến hành ở phía Nam. Tham mưu trưởng căn cứ không quân Lapland, trung tá Juha Salminen trao đổi với Jane’s Defence Weekly rằng: “Cường độ hoạt động bay ở miền Bắc đã được mở rộng. Số lượng máy bay hoạt động đã được tăng lên, chúng tôi cũng có thêm các máy bay trên không".
|
Không quân Phần Lan đã gia tăng các hoạt động lên 20% nhằm đối phó với những thách thức gần đây.
|
Hoạt động của Không quân Phần Lan đã tăng khoảng 20% các chuyến bay đào tạo hàng năm. Phần Lan đang tiến hành khoảng 3 phi vụ mỗi ngày với 6-10 máy bay chứ không còn là 4-8 máy bay như trước. Trung tá Salminen giải thích rằng, sức mạnh trên không đã tăng đáng kể sau quyết định đóng cửa căn cứ Satakunta ở miền Tây.
Các máy bay của căn cứ này được chuyển giao cho căn cứ không quân Karelian và Lapland ở phía Bắc, phía Đông nước này. Các phi công thuộc Bộ tư lệnh không quân tại căn cứ Karelian đóng quân tại Kuopio-Rissala và các trường đào tạo ở Kauhava sẽ phối hợp với các tiêm kích JAS-39 Gripen của Thụy Điển và F-16 của Na Uy dưới sự bảo trợ của Tổ chức quốc phòng Bắc Âu (NORDEFCO).
Cuộc tập trận tập trung khá nhiều vào nhiệm vụ bay đêm cũng như tiếp nhiên liệu trên không trên vùng biển Baltic - khu vực thường xuyên xảy ra các hoạt động xâm nhập không phận. Không quân Phần Lan nói rằng, trong tháng 8/2014 đã có 3 lần các máy bay Nga xâm nhập không phận của họ.
|
Cuộc tập trận lần này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ bay đêm và tiếp nhiên liệu trên không.
|
Trong tháng 9/2014, tiêm kích F/A-18 của Phần Lan đã ngăn chặn một máy bay không xác định xâm nhập không phận nước này. Tư lệnh không quân Phần Lan trung tướng Jarmo Lindberg lưu ý rằng: “Môi trường hoạt động của chúng tôi đang thay đổi. Đường biên giới giữa hòa bình, khủng hoảng và chiến tranh đang tan chảy vào trong một khu vực màu xám bất ổn”.
Ông nhấn mạnh về sự cần thiết phải cải cách quan điểm về chi tiêu quốc phòng. “Nền kinh tế thắt chặt cùng với các mối đe dọa quân sự ngày càng tăng gần biên giới chúng tôi càng làm tăng thêm sự không chắc chắn", ông nói.
Ý thức được sự thay đổi môi trường an ninh với Nga, một nhóm hoạt động trong Quốc hội đang đề nghị tăng ngân sách quốc phòng thêm 50 triệu Euro vào năm 2016 và 150 triệu Euro vào năm 2020. Dự kiến cả hai đề xuất ngân sách nói trên sẽ được phê duyệt.