Theo tờ Kommersant, Công ty Sukhoi (Nga) quyết định sẽ tháo dỡ các máy bay Su-30K nếu không tìm được khách hàng chấp nhận mua chúng.
Theo nguồn tin, Tập đoàn Rosoboronexport hiện vẫn chưa tìm được khách hàng mua 6 máy bay còn lại trong tổng số 18 máy bay
Su-30K phía Ấn Độ trao trả đang được sửa chữa tại nhà máy số 558 tại Baranovich (Belarus).
Trước đó, Nga đã ký hợp đồng với Angola bán 12 chiếc tiêm kích đa năng Su-30K theo khuôn khổ khoản tín dụng giá 1 tỷ USD. Dự kiến, lô Su-30K sau khi sửa chữa sẽ được chuyển tới tay khách hàng trong năm 2015.
|
Su-30K thời còn phục vụ trong Không quân Ấn Độ.
|
Su-30K được phát triển trên cơ sở biến thể
Su-27PU của Không quân Nga. Nó có cấu hình không đối không mạnh mẽ tương tự như Su-27PU, máy bay không có cánh mũi, hệ thống điện tử hàng không chủ yếu do Nga sản xuất theo công nghệ những năm 1990. Su-30K sử dụng động cơ AL-31F thông thường không có khả năng điều khiển vector lực đẩy.
Về hệ thống radar, Su-30K trang bị radar xung Doppler N001V tương tự như Su-27PU. “Mắt thần” này có khả năng theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu, nhưng chỉ có thể dẫn tên lửa tấn công một mục tiêu duy nhất. Phạm vi phát hiện mục tiêu tối đa là 240km, theo dõi mục tiêu ở cự ly 100km.
Su-30K nguyên bản có tính năng kỹ chiến thuật tương đối thấp nên
Ấn Độ chỉ chấp nhận sử dụng nó như một giải pháp tạm thời, trong khi chờ đợi sự hoàn thiện của Su-30MKI với nhiều đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt.
Theo đó, 18 Su-30K này được Nga chuyển giao tạm thời cho Không quân Ấn Độ khi việc sản xuất Su-30MKI theo đơn hàng của nước này chưa hoàn thành. Sau khi Ấn Độ nhận đủ Su-30MKI, tháng 7/2011, nước này trả lại Nga Su-30K.
Toàn bộ máy bay Su-30K cũ sau đó được chuyển tới niêm cất và sửa chữa tại nhà máy 558. Không quân Belarus và một số quốc gia châu Á trước đó cũng ngỏ ý quan tâm tới lô chiến đấu cơ cũ này của Nga. Cũng đã có thông tin Việt Nam đã để mắt tới lô 18 Su-30K.