Tờ Navy Recognition đưa tin cho biết, Hải quân Đức vừa hoàn tất quá trình thử nghiệm biến thể nâng cấp tên lửa chống hạm RBS15 Mk3 do Đức và Thụy Điển hợp tác phát triển.
Theo đó, RBS15 Mk3 đã vượt qua tất cả các buổi phóng thử nghiệm từ một tàu hộ vệ lớp Braunschweig (K-130) của Đức tại vùng biển ngoài khơi Thụy Điển vào cuối tháng 4 vừa rồi. Quá trình thử nghiệm bao gồm cả việc ghi nhận khả năng tấn công chính xác mục tiêu của RBS15 Mk3 cũng như hiệu quả tác chiến trên biển.
|
Tàu hộ vệ lớp Braunschweig của Hải quân Đức.
|
Công ty quốc phòng Diehl BGT Defence của Đức sẽ là nhà thầu chính cung cấp các tên lửa chống hạm RBS15 Mk3 cho lực lượng hải quân nước này và đây sẽ là hệ thống vũ khí chống hạm chính trên các tàu hộ vệ lớp Braunschweig thế hệ mới của Hải quân Đức.
RBS15 Mk3 được phát triển dựa trên biến thể tên lửa chống hạm RBS15 Mk2 thiết kế từ những năm 1980. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại RBS15 Mk2 vẫn được đánh giá khá cao khi đang được biên chế cho Hải quân Hoàng gia Thụy Điển và một số nước khác.
Có một điểm cộng rất lớn cho biến thể RBS15 Mk3 là ngoài khả năng tấn công các mục tiêu trên biển nó còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu mặt đất.
|
Ảnh chụp tên lửa chống hạm RBS15 Mk3 được phóng đi từ tàu hộ vệ F260 lớp Braunschweig.
|
Tên lửa chống hạm RBS15 Mk3 có khả năng cơ động cao, tầm bắn hiệu quả lớn và có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Nó còn có thể tấn công cả các mục tiêu tầm thấp trên mặt nước hoặc các mục tiêu ven biển với khoảng cách lên tới 200km. RBS15 Mk3 cũng được thiết kế để chống lại các biện pháp đối phó điện tử hoặc đánh chặn từ đối phương với quỹ đạo bay phức tạo giúp khó bị đánh chặn.
Hiện tại Hải quân Đức đã đưa vào trang bị tổng cộng 5 tàu hộ vệ lớp Braunschweig dành cho các nhiệm vụ tuần tra ven biển, chống hạm, tác chiến phi đối xứng và hỗ trợ nhân đạo. Tàu hộ vệ Braunschweig có lượng giãn nước tối đa khoảng 1.840 tấn với thủy thủ đoàn 65 người và có thể hoạt động 21 ngày trên biển.