Trông người ốm ngày Tết 10 ngày bằng cấy lúa cả năm

Google News

Giá thuê “ôsin” trông người bệnh đã tăng gấp đôi - lên 500.000-600.000 đồng/ngày, nhưng không dễ tìm được người để thuê vào những ngày tết.

Đắt khách và đắt tiền
“Ôsin” trông bệnh nhân nặng trong bệnh viện ngày thường có giá là 200.000 đồng/ngày thì ngày giáp tết giá đã lên 300.000 đồng/ngày. Có mẹ bị ung thư giai đoạn cuối nằm ở Bệnh viện (BV) Bạch Mai, tết này phải ở lại BV, gia đình anh Thắng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) - là con trai độc nhất - lo cuống vì cô giúp việc nằng nặc đòi về quê từ ngày 22 tết.
Nghe mọi người mách, anh Thắng đã tìm đến dịch vụ trông người bệnh và choáng váng khi nghe các chị “ôsin” phát giá. Anh Thắng kể: “Tôi gặp chị Lan - nhóm trưởng của nhóm phụ nữ chuyên nhận trông bệnh nhân tại BV Hữu Nghị - chị này nói, nếu trông ngắn hạn (dưới 1 tuần) là 300.000 đồng/ngày, còn trông dài hạn từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Giá trông bệnh nhân đến 28 tết là 300.000 đồng/ngày, nhưng nếu từ 29 tết đến mùng 6 là 600.000-700.000 đồng/ngày và phải đăng ký sớm, vì rất ít người ở lại trông bệnh nhân những ngày tết”.
Trong nguoi om ngay Tet 10 ngay bang cay lua ca nam
Dịch vụ trông bệnh nhân ngày tết luôn đắt hàng. 
Nghị đến mẹ già đau ốm, công việc của cả vợ chồng con cái đều bận bịu tối mắt nên cả gia đình đã nhất trí thuê một chị “ôsin” với giá đó để trông mẹ ở BV. Chị Thu Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là người đã từng “dở khóc, dở cười” vì người giúp việc vào tết năm ngoái. Chị kể: “25 tết năm ngoái, bố đẻ bị tai biến phải vào cấp cứu BV Bạch Mai, con cái đều bận nên đã thuê một chị trông cụ qua tết với giá 500.000 đồng/ngày.
Đúng trưa mùng 1 tết, chị này đùng đùng đòi về, nói thế nào cũng không nghe. Chồng tôi liền bảo sẽ tăng thêm 100.000 đồng/ngày, chị ta liền đổi ý. Không những thế, tôi còn phải ngọt nhạt, không dám trách móc vì sợ chị ấy lại giở quẻ… vừa mất tiền, vừa tức”.
Vào những ngày giáp tết, tại BV Hữu Nghị, khá đông chị em làm nghề trông người ốm ở lại. Một số bệnh nhân đã xuất viện nên các chị đang chờ bệnh nhân mới. Số khác đang chuẩn bị đồ đạc theo bệnh nhân về nhà chăm sóc tiếp. Chị Phúc (trong nhóm phụ nữ trông người ốm) cho biết: “Gia đình khó khăn, cố ở lại mấy ngày tết kiếm được dăm triệu cho con cái học hành. Nghĩ cũng tủi lắm, lúc giao thừa, mùng 1, nhà người ta đầm ấm, còn mình vẫn lụi cụi chăm sóc người bệnh.
Mà người bệnh ốm đau càng khó tính, có người không vừa ý là ném cả bát, cốc vào người…”. Chị Phúc bảo: “Kiếm mấy ngày tết bằng cả năm trồng lúa, nên đành chấp nhận hy sinh. Ở đây, dịch vụ trông người ốm luôn đắt hàng, vào những ngày tết giá tăng gấp 2 lần so với ngày thường, nhưng cũng rất khó để thuê được”.
Ôsin hơn cả... người nhà
Với mức lương 1.000.000 đồng/ngày, cô Nguyễn Thị Chung (ở Phú Thọ) đã nhận lời trông một bệnh nhân mổ trực tràng tại BV 108 trong 10 ngày tết. Nếu có ai muốn thuê, cô có thể giới thiệu người khác ở cùng quê, nhưng mức lương cũng phải 700.000-800.000 đồng/ngày.
3 tháng chăm người nhà bị ung thư, cô Chung đã thành thạo đường đi nước bước phục vụ bệnh nhân trong BV. Thấy cô nói năng nhẹ nhàng, lại khéo tay, nhanh nhẹn nên có người ngỏ ý nhờ cô nâng giấc cho người thân bị tai biến nằm liệt. Từ đó đến nay đã 20 năm, cô Chung đi làm ôsin trong BV. Quanh năm không lúc nào hết việc, chỉ trừ khi gia đình có việc ở quê, cô mới về rồi lại trở lại Hà Nội nhận một gói chăm sóc nào đó.
Cô Chung không chỉ đảm nhận vai trò như người y tá (trừ việc tiêm truyền) cho người bệnh, từ thay quần áo, tắm giặt, đút cơm, bón cháo, cho ăn qua ống xông. Khi người bệnh đau, cô phải xoa cho họ đỡ đau, bóp chân tay cho họ đỡ mỏi. Nếu người bệnh nặng nằm ở các khoa hồi sức cấp cứu gắn với các máy hỗ trợ, cô cũng phải theo sát các chỉ số hiện trên máy để kịp thời báo cho nhân viên y tế.
Nếu có yêu cầu đi đóng tiền, cô cũng phải biết chạy thật nhanh đến đúng quầy thu tiền mà nộp, rồi lại về trong thời gian nhanh nhất và khi người bệnh đã thoải mái, cô lại ngồi đọc báo cho họ nghe, lắng nghe điều tâm sự nếu họ muốn giãi bày. Điều đặc biệt hơn cả là ngay cả giờ bác sĩ đi buồng khám lại bệnh nhân, cô vẫn có thể quanh quẩn đâu đó xung quanh người bệnh, dù theo quy định là giờ đó 100% người nhà phải ra khỏi buồng bệnh.
Thấy cô thành thạo mọi việc như thế, nhiều người còn bảo cô thạo việc hơn cả các y tá mới học việc hoặc mới vào nghề. Thêm nữa, cô thuộc nằm lòng các quy định liên quan đến thanh toán BHYT, nên việc thanh toán viện phí đối với cô làm rất gọn nhẹ. Mỗi lần đóng tiền, BV xuất hóa đơn nào, cô mang về hóa đơn đó, thanh toán với gia chủ. Chính vì “đadinăng” được việc, lại thật thà nên cô Chung lúc nào cũng đắt khách. Khi thì ở BV Lão khoa, lúc ở Bạch Mai, mai lại đã thấy ở BV 108…
Đang trò chuyện, cô Chung nhận một cuộc điện thoại của một gia đình mà cô đã trông hơn 2 tháng ở BV Bạch Mai. Người vợ sau thời gian lâm bệnh nặng đã qua đời, người chồng nghĩ đến cô Chung đã tận tình chăm sóc nên ngỏ ý biếu quà tết, cảm ơn cô.
Cô Chung nghĩ, dù làm việc gì nhưng hết tâm, hết sức cũng sẽ được đền bù, trả công xứng đáng. Nghề ôsin vốn bị coi là nghề thấp kém, nhưng với sự phân công lao động trong thời buổi kinh tế thị trường, công việc này đã ngày càng được chuyên nghiệp hóa và người làm cũng được xã hội công nhận và tôn trọng hơn.
Theo Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)