Sự thật về dừa siêu trái, đẻ ra tiền ở miền Tây

Google News

Thời gian gần đây, trên những trang quảng cáo của các báo và mạng Internet xuất hiện thông tin về một giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái.

Su that ve dua sieu trai, de ra tien o mien Tay
Một quảng cáo về loại dừa xiêm dây giống.
Nhiều người đi mua giống dừa tên gọi dừa xiêm dây siêu trái với hi vọng vừa trồng cảnh vừa làm kinh tế.
Theo thông tin quảng cáo, giống dừa này “ra trái quanh năm, mỗi quầy cho trái sai từ 60 - 100 trái. Thân cây thấp, trái dừa vỏ mỏng, nước rất ngọt thanh, cây thích nghi trên nhiều loại đất kể cả đất bị nhiễm phèn và đất cằn cỗi.
Thời gian trồng đến ra trái khoảng 2 năm. Ban đầu cây cho khoảng 20 - 30 trái/quầy, số lượng này tăng dần theo số tuổi của cây, có thể đạt khoảng 60 - 100 trái mỗi quầy. Mỗi trái có thể bán được từ 8.000 - 10.000 đồng”.
Một con số ấn tượng và hình ảnh hàng trăm trái dừa lúc lỉu nằm chen trong tán lá hấp dẫn đã khiến nhiều người đổ xô tìm mua.
“Ở góc độ người chuyên nghiên cứu về cây dừa, tôi khuyên người dân không nên trồng giống dừa này để phát triển kinh tế vì khó bán. Chỉ nên trồng xen vài cây trong vườn để uống nước hoặc trồng tại các vườn nhằm phục vụ du lịch
Bà Nguyễn Thị Thủy
Bỏ 8 triệu thu về 140 triệu?
Theo số điện thoại trên mạng xã hội, chúng tôi đến một trại giống ở Q.12, TP.HCM. Tại đây, ông chủ trại giống cho biết cây dừa xiêm dây siêu trái rất dễ trồng, đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc nhưng mang lại lợi nhuận rất cao bởi chỉ cần trồng 18 - 24 tháng có thể thu hoạch.
Trong năm đầu cây cho trung bình mỗi tháng một quầy dừa khoảng 24 trái, nếu bán cho người mua có thể được 5.000 - 6.000 đồng/trái. Loại dừa này tán hẹp, cây rất thấp, thân cây chỉ cao khoảng 1m nên có thể trồng với mật độ 3,5m/cây. Như vậy nếu trồng khoảng 100 gốc dừa, chi phí giống, phân bỏ ra cho hai năm đầu là 8 triệu đồng (6 triệu tiền giống cây và 2 triệu tiền phân bón) sau hai năm sẽ thu về 140 -150 triệu đồng.
Những năm sau dừa sẽ cho trái và quầy nhiều hơn, có thể lên tới gần 100 trái/quầy mà chẳng phải tốn thêm chi phí gì. Còn thị trường tiêu thụ cũng ổn vì người dùng ưa chuộng do đây là dừa xiêm dây siêu trái ngọt, vỏ mỏng, cơm dày.
Ông chủ trại còn cho biết thêm giống dừa này được nhập từ Thái Lan và do con trai ông là một kỹ sư nông nghiệp ươm tạo ra, hiện đã bán ở khắp nơi trên cả nước từ Thanh Hóa, Phú Yên đến Đồng Nai, Vĩnh Long, Bình Dương, Vũng Tàu, Tây Ninh, khách ở TP.HCM mua cũng khá nhiều.
Khách mua lẻ một vài cây cũng có, khách mua vài trăm tới cả ngàn cây cũng có, những khách mua số lượng lớn thường là các resort đến mua về để trồng dọc lối đi, bờ nước làm kiểng. Ông đang bán cây giống với giá 60.000 đồng/cây, khách ở tỉnh xa mua với số lượng lớn ông sẽ hỗ trợ tiền chuyên chở.
Không nên trồng đại trà
Bà Nguyễn Thị Thủy, giám đốc Trung tâm dừa Đồng Gò thuộc Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, cho biết loại “dừa xiêm dây siêu trái” hiện đang được quảng cáo tràn lan trên thị trường có nhiều tên gọi khác nhau.
Tuy nhiên, phần lớn người dân xứ dừa Bến Tre và Trung tâm dừa Đồng Gò gọi là “dừa ẻo xanh”. Loại dừa này xuất hiện cách đây khoảng 5 - 6 năm trên thị trường và trong các hội chợ triển lãm các sản phẩm dừa.
Tuy nhiên theo bà Thủy, dừa ẻo xanh là loại dừa cho trái rất sai nhưng hiệu quả kinh tế không cao do trái nhỏ và có thể tích nước ít (chỉ khoảng 150 - 200ml trong khi loại dừa uống nước thường có thể tích nước từ 200 - 300ml, thậm chí 350ml nước) nên rất khó bán. Do đó người dân Bến Tre rất ít trồng loại dừa này.
Tương tự, thạc sĩ Lê Hữu Trung, giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết giống dừa ẻo (hay còn gọi dừa dây) không có giá trị kinh tế vì trái chỉ bằng nắm tay và chủ yếu được trồng làm kiểng. Theo đặc trưng sinh lý thực vật, cây càng nhiều trái thì trái càng nhỏ và nếu không đủ dinh dưỡng trái sẽ tự rụng.
Vì thế, có thể thấy một cây dừa bình thường khi ra bông cả chùm, nhưng số trái đậu được đến thu hoạch chỉ hơn chục trái. Tại Việt Nam cũng như các nước chưa thấy có giống dừa nào cho trái lớn, nhiều nước mà một buồng lên tới 60 - 80 trái vì cây sẽ không đỡ được buồng dừa.
Theo ông Trung: “Những giống dừa trong nước lâu năm có giá trị kinh tế rất lớn, nhiều doanh nghiệp từ Sri Lanka đến Bến Tre thu mua, chế biến và xuất đi nước ngoài thu lợi rất cao, trong khi đó các giống dừa nhập, dừa lai mới bắt đầu trồng hoặc thu hoạch nên phải mất nhiều thời gian để đánh giá hiệu quả kinh tế, mà hiệu quả này phụ thuộc hàm lượng dầu trong trái, tỉ lệ cơm dừa/trái...
Ngoài ra, vì là giống nhập nên giá cây giống rất cao. Vì thế bà con nông dân cần thận trọng khi quyết định chọn giống nào, nếu chưa chính mắt thấy thì không nên đầu tư vì trồng cây lâu năm tốn kém rất nhiều.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết trong một lần đi hội chợ thấy quảng cáo giống dừa ẻo xanh cho trái nhiều nên mua trồng thử 2 cây. Cây phát triển khá nhanh, cho trái nhiều nhưng thương lái không mua nên gia đình đã chặt bớt một cây, chỉ để một cây để uống nước.
Ông Thắng nói thêm loại dừa này rất ít nước nên không được ưa chuộng trên thị trường, do đó khó phát triển đại trà được.
Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)