Mua vàng... được đá
Tại một địa chỉ bán nấm online trên đường Thành Thái, quận 10, TP.HCM đang chào bán nấm đông cô Nhật Bản với giá 310.000 đồng/bịch/50g. Như vậy, 1kg nấm đông cô Nhật Bản có giá 6,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là giá bán mắc nhất. Tại một cửa hàng bán hàng online trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP.HCM, PV còn nhận được báo giá là 480.000 đồng/bịch/50g (gần 10 triệu đồng/kg). Còn lại, giá 4 – 6 triệu đồng/kg là hết sức phổ biến.
|
Có thể khẳng định, đã có tình trạng “làm giá” của các đầu nậu, điểm bán hàng... nhằm móc túi người tiêu dùng với nấm đông cô. |
Liên hệ mua hàng với cơ sở của người phụ nữ tên Linh trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM, PV thắc mắc vì sao giá “chát” quá vậy? Linh nói: “Do nấm này là loại cực hiếm, ở Nhật Bản cũng không có nhiều để bán. Do vậy, khi về Việt Nam thì nó có giá rất mắc. Hơn nữa, nó là dược liệu quý, người ta chủ yếu ăn thay cho thuốc nên càng trở nên quý hiếm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, nấm đông cô Nhật Bản có rất nhiều loại, bán với giá khác nhau, loại rẻ, chỉ vài trăm ngàn đồng đến vài ba triệu đồng/kg. Tại một số trang mua bán online ở Nhật, PV không tìm được thông tin về loại nấm đông cô có giá chục triệu đồng tiền Việt. Có thể khẳng định, đã có tình trạng “làm giá” của các đầu nậu, điểm bán hàng... nhằm móc túi người tiêu dùng.
|
Trang www.amazon.co.jp bán với giá 648 Yên Nhật/bịch/50g. |
Thực tế, khi PV nhờ người quen mua loại nấm này, tại các điểm bán hàng của Nhật chỉ bán với giá rất rẻ. Cụ thể tại trang www.amazon.co.jp bán với giá 648 Yên Nhật/bịch/50g (mới gần 130.000 đồng – tham chiếu giá 1 Yên bán ra = 200 đồng ngày 11/5 của Vietcombank). Tương tự, tại trang rakuten.co.jp cũng đang bán với giá phổ biến từ 1.000 Yên/kg trở lại.
Sở dĩ, PV tham chiếu những thông tin này là để giải thích cho việc giá cao bất thường, nhiều người có ít thông tin về sản phẩm tránh bị lừa. Do đó, trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm. Nếu không biết tiếng Nhật thì nên nhờ tư vấn của những người biết về sản phẩm này hoặc các điểm bán hàng uy tín để không bị “móc túi”.
Đặc trị... ung thư?
Điều mà nhiều người có thể hình dung chính là tâm lý sính hàng ngoại của người Việt cũng đẩy giá sản phẩm lên cao. “Chưa biết nó có công dụng như thế nào nhưng hễ thấy sản phẩm ngoại, đặc biệt là đến từ Nhật Bản thì giá càng đắt càng thu hút nhiều người quan tâm và chi tiền”, TS. Nguyễn Văn Hoàng, trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, trên thị trường, nhiều người đang săn tìm loại nấm đông cô Nhật vì công dụng tiên dược của nó. Một mẫu quảng cáo về sản phẩm này viết: “Nấm đông cô chính là kẻ thù của những nỗi lo về ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư bạch cầu... Không chỉ phòng ngừa ung thư, nó còn giúp người dùng có làn da sáng mịn, cải thiện và chăm sóc hoàn hảo cho làn da...”.
“Nếu ai có nguy cơ mắc virút u nhú thì nấm đông cô Nhật Bản là giải pháp hữu hiệu nhất. Loại virút này rất phổ biến, dễ lây, nhiễm trùng, có ảnh hưởng đến da và các vùng ẩm ướt của cơ thể. Đặc biệt ở cổ tử cung, miệng, vòm họng... nhưng một nghiên cứu ở Nhật Bản mới đây cho thấy, nấm đông cô có thể ngăn ngừa được loại virút này, do đó loài nấm này càng được săn đón dữ hơn”, Linh, người bán hàng như đã học thuộc lòng để giới thiệu cho PV.
Ghi nhận của PV cho thấy, các loại nấm đông cô của Nhật Bản trên thị trường, chủ yếu là loại đã sấy khô, được bọc trong các bao nilon hút chân không. Hầu hết sản phẩm mà PV tiếp cận đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, hoàn toàn bằng tiếng Nhật. Nhìn vào sản phẩm, không hề biết được ngày sản xuất, hạn sử dụng, ai là người cung cấp...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hải, bệnh viện cấp cứu Trưng Vương: “Nấm là loại thực phẩm hết sức bổ dưỡng, tuy nhiên, phải sử dụng các loại được nuôi trồng tốt, đảm bảo an toàn và không sử dụng các loại thuốc, hóa chất. Nếu muốn mua nấm đông cô của Nhật thì phải xem cơ quan chức năng của Việt Nam kiểm nghiệm hay chưa, thời hạn sử dụng bao lâu, sản phẩm được bảo quản như thế nào... Vì nấm để quá hạn sẽ tồn tại các loại vi khuẩn gây bệnh, hay xuất hiện các độc tố nguy hiểm có thể gây ngộ độc”.