Sai lầm nhất thiết phải tránh khi dùng bếp điện từ

Google News

(Kiến Thức) - Có khoảng 30% sản phẩm bếp điện từ hỏng nguồn cấp trước do không thông gió đúng cách.

Chưa hiểu rõ nguyên lý hoạt động của bếp điện từ nên nhiều gia đình đã không đảm bảo được các yếu tố khi sử dụng như thông gió, cách bấm nút hay chống ẩm… khiến bếp nhanh hỏng. Thông tin chia sẻ dưới đây của ông Đỗ Trường Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần bếp Thái Sơn sẽ phần nào giúp người dùng tránh được những sai lầm. 
Hỏng nguồn cấp trước do không thông gió 
Có khoảng 30% sản phẩm bếp điện từ hỏng nguồn cấp trước do không thông gió đúng cách. Lúc này, gió đưa vào làm mát không đủ nên cuộn dây điện trong bếp từ bị nóng, quạt thông gió làm việc không hiệu dẫn đến chết nguồn. Trong khi đa phần những gia đình sử dụng bếp từ âm hiện nay thường gắn liền vào tủ bếp, nhưng tủ lại không được thiết kế để lấy gió làm mát. Hay nói cách khác, hầu hết các thợ làm tủ và chủ nhà khi làm tủ bếp không tính toán đến vấn đề làm mát của bếp điện từ, vì thế nhiều gia đình khi lắp bếp phải khoan tủ để khắc phục vấn đề này. 
Lượng không khí thoáng trong một ngăn tủ bếp kín không đảm bảo để làm mát cho quá trình nấu của bếp điện từ. Trong khi đó, bếp lấy gió từ đây nhưng cũng xả nhiệt ra tại đây. Vì thế, nếu không lưu thông không khí sẽ dẫn đến hỏng máy. 
Để khắc phục, khi lắp bếp từ âm vào bếp cần khoan tấm dưới cùng tiếp giáp với sàn nhà ra để lấy gió dưới gầm, hoặc khoét hậu để lấy gió từ phía sau. Trường hợp không lấy gió được từ phía dưới hoặc sau cần mở cửa tủ khi nấu. 
Càng ít dùng, càng dễ bị hỏng
Một vấn đề khác thường dẫn đến bếp điện từ bị lỗi và hỏng chính là do nồm ẩm. Cũng giống như các thiết bị điện tử khác, khi thời tiết mưa, nồm ẩm hay nhà có độ ẩm cao cần sử dụng thường xuyên bếp từ để tránh hư hỏng. Bởi hơi ẩm xâm nhập vào máy, nếu không dùng sẽ gây ra chập các bản mạch của thiết bị. Bếp từ khi bị ẩm không có bất kỳ biểu hiện này, điều này khác như tivi sẽ bị nhiễu hay phóng điện. Bếp điện từ đầu tiên có thể báo lỗi (hiện lên chữ E hoặc S tùy loại máy), nhưng sau đó thì hỏng luôn. Có thể đêm nay bạn vẫn dùng bình thường nhưng sáng hôm sau đã hỏng. 
Vì thế, hãy nấu bếp hằng ngày, dù không nấu thức ăn gì thì việc đun một nồi nước nóng cũng tốt cho bếp. Tránh tình trạng vài ngày hoặc cả tuần mới nấu một lần. Càng ít dùng, bếp điện từ càng dễ bị hỏng. 
Sai lam nhat thiet phai tranh khi dung bep dien tu
 Ảnh minh họa.
Dùng một ngón tay khi điều khiển 
Điểm cần lưu ý khi sử dụng bếp điện từ chính là sử dụng ngón tay để điều khiển các nút cảm ứng trên mặt bếp. Theo đó, chỉ nên sử dụng một ngón tay để bấm thay vì dùng hai ngón. Cần bấm lần lượt từng chế độ. Nếu dùng hai ngón tay trở lên để bấm, nguy cơ lướt hay chạm phải hai ba nút cảm ứng cùng một lúc sẽ khiến bếp trở nên bị lỗi. Những lỗi này tuy nhìn bề ngoài đơn giản nhưng thực chất chúng có thể khiến bảng mạch điều khiển bị đơ và ngừng hoạt động bếp, hoặc chập điện dẫn đến nhảy áp tô mát. 
Trường hợp nhà nào không dùng áp tô mát riêng cho bếp có thể có nguy cơ chập điện cả nhà gây cháy nổ... Dẫn chứng cụ thể đầu tiên là bếp có thể bị ngừng hoạt động. Tốt nhất nếu gặp tình trạng này nên tắt bếp khoảng 5 phút rồi mới hoạt động lại để reset (khởi động, cài lại) máy. 
Không nên mua bếp điện từ kết hợp hồng ngoại
Nhiều người vì có sẵn bộ nồi đáy bình thường (không từ) nên khi đổi bếp muốn dùng tiếp nên bếp đôi một hồng ngoại một bếp từ, điều này là không nên. Bởi cơ chế hoạt động của hai loại bếp này hoàn toàn khác nhau. Bếp hồng ngoại phả nhiệt cao, không cần sử dụng quạt thông gió. 
Trong khi đó, bếp từ cần có quạt gió để tản nhiệt tránh hỏng. Khi sử dụng bếp hồng ngoại nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến bếp điện từ. Chính vì sự kết hợp này đã khiến bếp điện từ kèm hồng ngoại nhanh hỏng hơn bếp điện từ đơn thuần. 
Hiền Dung (ghi)

Bình luận(0)