Máy cấy không động cơ của "đại gia hai lúa"

Google News

(Kiến Thức) - Chỉ là một nông dân tay lấm chân bùn, nhưng anh Trần Đại Nghĩa (Tiền Hải, Thái Bình) đã sáng chế ra chiếc máy cấy không dùng đến động cơ...

Chỉ là một nông dân tay lấm chân bùn, nhưng anh Trần Đại Nghĩa ở thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng (Tiền Hải, Thái Bình) đã sáng chế ra chiếc máy cấy lúa không dùng đến động cơ, giúp nông dân tiết kiệm sức người và tiền bạc.
Bằng 6 người làm
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng hồ hởi nói với chúng tôi: “Vụ gieo cấy vừa rồi, nông dân ở Tiền Hải chỉ đứng trên bờ thôi, họ không phải lội xuống ruộng nữa. Chỉ một người xuống ruộng là bằng cả đống người làm rồi. Đó là nhờ cái máy cấy kỳ diệu”.
Nói rồi ông Đạt vơ vội cái mũ dẫn chúng tôi ngược đường đến xưởng cơ khí của nhà phát minh Trần Đại Nghĩa. Trong xưởng, hơn chục thợ đang hì hụi người cắt, người xì, người uốn những thanh thép rỗng. Anh Nghĩa bảo: “Nông dân các nơi đến đặt hàng nhiều quá, thợ trong xưởng làm không xuể”.
May cay khong dong co cua dai gia hai lua
Toàn cảnh chiếc máy cấy không động cơ. 
Theo anh Nghĩa, chiếc máy cấy anh sáng chế ra không cần dùng đến động cơ là sự thật. Chỉ với hai thanh “điều khiển” bằng tay đưa lên đưa xuống cũng khiến những dảnh mạ được cắt ra cắm xuống đất ruộng. Mỗi lần tay đưa lên xuống cũng là những nhát cấy thẳng hàng, đảm bảo quy trình nông nghiệp.
Trong một ngày, chiếc máy này có thể hoàn thành từ 6 – 8 sào ruộng Bắc Bộ, tức bằng 6 người nông dân giỏi nghề cấy liên tục không ngơi nghỉ. Trong khi đó, chiếc máy ấy chỉ cần một người vận hành là đủ.
Bà Nguyễn Thị Thuây ở thôn Đông Hoàng có 7 sào ruộng, khi anh Nghĩa vừa hoàn thành chiếc máy cấy, bà đã để anh đưa máy ra ruộng nhà mình trình diễn thử. Chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, 7 sào ruộng đã kín mạ, hàng thẳng hàng, lối thẳng lối tăm tắp nhau như được cấy thủ công.
Tiếng lành lan nhanh, đồn xa đã thu hút hàng trăm người đến Đông Hoàng để xem chiếc máy cấy làm việc trên cánh đồng. Thế rồi, nông dân khắp nơi, từ Nghệ An, Thanh Hóa đến Đồng bằng sông Cửu Long cũng ra xem thực hư thế nào.
May cay khong dong co cua dai gia hai lua-Hinh-2
Chiếc máy nặng trên 23kg và có giá khoảng 4 triệu đồng. 
Ý tưởng 10 năm
Anh Trần Đại Nghĩa cho biết: “Ý tưởng làm một chiếc máy cấy không dùng đến động cơ đã được tôi ấp ủ hàng chục năm nay. Nhưng rồi khi bắt tay vào nghiên cứu thì lại rất khó, hơn nữa vì phải làm việc nuôi gia đình nên ý tưởng không được hoàn thành nhanh chóng như dự định”.
Vào năm 2001, anh Nghĩa tham gia xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi sang đó, anh thấy nông dân Hàn rất nhàn hạ. Từ cấy cày đến gặt hái đều do máy móc làm cả. Đặc biệt, anh thấy máy cấy của họ làm việc rất nhanh, bằng năm bằng mười công cấy của người nông dân.
Tuy nhiên, anh lại nghĩ đó là chiếc máy dùng đến động cơ sẽ gây tốn kém tiền của. Vậy là trong thời gian ở đất nước Kim Chi, ngày anh làm việc, tối đến lại vẽ vời lên kế hoạch cho một chiếc máy hoàn hảo cho nông dân đất nước mình.
May cay khong dong co cua dai gia hai lua-Hinh-3
Anh Nghĩa đã ấp ủ 10 năm khi làm chiếc máy cấy này. 
Khi về nước, anh cũng từng tự gò hàn thiết kế lấy một chiếc máy nhưng rồi không thành công. Bẵng đi một thời gian, người làng lại thấy anh bỏ bê tất cả, suốt đêm suốt ngày cặm cụi trong xưởng cơ khí hết gõ lại đập, hết hàn lại gỡ ra.
“Dù đã hiểu nguyên lý hoạt động của chiếc máy cấy không dùng đến động cơ, nhưng tôi đã phải đập đi 6 cái mới hoàn chỉnh ý tưởng. Thì ra, khi ta biết tư duy, biết hoạch định và chịu khó quan sát thì ý tưởng sẽ có lúc lóe ra một lối đi đúng hướng”, anh Nghĩa tâm sự.
Tận mắt máy cấy 
Sau những phút tâm sự về ý tưởng, anh Nghĩa vào trong đưa ra một chiếc máy cấy đã được gấp lại. Anh cho biết: “Máy cấy không động cơ do tôi sáng chế có hai loại với hai trọng lượng khác nhau. Một loại nặng 23,5kg, loại to hơn nặng hơn chút xíu. Cả hai loại đều có thể gấp lại cho tiện lợi khi cất đi hoặc khi vận chuyển ra đồng”.
May cay khong dong co cua dai gia hai lua-Hinh-4
Chiếc máy có hai tay kéo cũng là phần vận hành cắt mạ. 
Theo quan sát của chúng tôi, cả hai loại máy này có hình dáng giống nhau. Phía dưới máy là bàn trượt làm bằng tôn để đặt xuống ruộng có tác dụng không bị sụt lún. Phía trên có các thanh ngang, thanh dọc giữ cho máy cân bằng và chắc chắn. Đồng thời, các thanh này nâng đỡ phần máng đặt mạ.
Tay kéo máy cũng là thanh cắt mạ. Khi nông dân kéo máy dưới ruộng thì đồng thời hai thanh kéo cũng hoạt động để cho phần cắt mạ hoạt động. Mỗi lẫn tay đưa lên hay đưa xuống thì 4 dảnh mạ được cắt ra, lọt xuống dưới và 4 thanh sắt sẽ dúi mạ xuống mặt ruộng.
Ở giữa máy có một hộp xích nhỏ giúp cho các bộ phận của máy hoạt động hài hòa và liên tục. Cả hai loại máy này đều giống nhau và đều cấy được 4 hàng mạ thẳng hàng.
Anh Nghĩa đã nhiều lần trình diễn máy cấy dưới ruộng và rút ra kinh nghiệm: “Cứ một tiếng thì máy cấy được 1 sào ruộng. Nếu người nào khoẻ mạnh, thành thạo khi dùng thì sẽ cấy được nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng phải tùy vào ruộng quá nhão hay khô, nước quá nhiều hay ít”.
May cay khong dong co cua dai gia hai lua-Hinh-5
Máy cấy không động cơ trên đồng ruộng. 
Sẽ “phủ sóng” trên toàn quốc
Anh Trần Đại Nghĩa thành thật: “Máy được hoàn thành vào đầu năm thì cho đến nay, tôi đã bán ra thị trường khoảng gần 500 chiếc máy. Đó là còn ít, vì công nhân trong xưởng làm không xuể. Hiện đã có vài nghìn đơn đặt hàng nhưng chúng tôi phải làm từ từ mới đảm bảo yêu cầu”.
Nông dân từ khắp nơi hoặc điện về cơ sở hoặc đến tận nơi đặt hàng. “Bởi đặc thù nông nghiệp ở nước ta là ruộng sụt lún, lại rất khó dùng máy cấy bằng động cơ. Hơn nữa, thu nhập từ ruộng không được bao nhiêu nên nông dùng họ muốn máy không dùng nguyên liệu để bớt tốn kém”, anh Nghĩa cho hay.
Được biết, một chiếc máy cấy được anh bán với giá trên dưới 4 triệu đồng và anh khẳng định đó là chiếc máy cấy rẻ nhất thế giới hiện nay: “Tôi khẳng định chiếc máy cấy này sẽ “phủ sóng” khắp đồng ruộng của các tỉnh thành trong cả nước. Vì sự tiện lợi và hữu dụng của nó thì nông dân sẽ rất có lợi bởi tiết kiệm được công sức và tiền bạc”.
Tuy nhiên, anh Nghĩa cũng cho rằng, chiếc máy cấy không làm thay được một số việc thủ công khi cần đến bàn tay con người. Khi cấy xong, nông dân vẫn phải dặm lại những dảnh mạ không cắm sâu được vào đất. Đồng thời, cũng cần phải xem xét lại những dảnh mạ quá dày hoặc quá mỏng để đảm bảo chất lượng.
“Hiện tôi đã gửi hồ sơ lên Cục sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học & Công nghệ để đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy cơ quan chức năng trả lời gì về việc này”.
Anh Trần Đại Nghĩa
“Chiếc máy cấy không động cơ rất phù hợp với ruộng đồng của Việt Nam. Đồng thời nó cũng phù hợp với túi tiền của bà con nông dân. Tuy nhiên, để dùng được máy cấy này thì yêu cầu mạ gieo phải đều, ruộng có lượng nước cũng phải phù hợp thì mới có tác dụng”.
Ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng)
Trần Hòa

>> xem thêm

Bình luận(1)

Minh Hiền

hoàng đức thuận

Chiếc máy này tuy có nhiều ưu điểm nhưng vẫn chưa cấy được loại mạ gieo dưới ruộng (mạ nhổ). Nếu được cải tiến cấy được cả hai loại mạ thì tốt hơn