Hôm nay (20/10), quảng cáo của Masan chiếm trọn trang đầu trong mục Quảng cáo của một tờ báo in. Trong nội dung có câu nổi bật “Cam kết đạt chuẩn an toàn thạch tín”.
Nội dung quảng cáo nước mắm "an toàn thạch tín" của Masan là cho các sản phẩm nước mắm Nam Ngư và nước chấm Đệ Nhị. Với các thông điệp "ngon" và "an toàn", Masan khẳng định rằng các sản phẩm của mình có lượng arsen đạt chuẩn theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
|
Nội dung quảng cáo của Masan trên một tờ báo in có tiếng. |
Điều đáng chú ý là chiến dịch quảng cáo này được đưa ra ngay sau khi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả khảo sát thị trường nước mắm. Kết quả cho rằng "101/150 mẫu nước mắm khảo sát (khoảng 67%) có hàm lượng arsen - thạch tín tổng vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế".
Công bố này còn cho rằng những loại nước mắm có độ đạm càng cao thì hàm lượng arsen vượt ngưỡng (nói chung) càng cao.
Cuộc khảo sát về nước mắm của Vinastas đã bị giới doanh nghiệp, các chuyên gia và người tiêu dùng đặt nhiều câu hỏi và sự ngờ vực về tính đúng đắn cũng như động cơ, mục đích của nó.
Bởi theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tỷ lệ arsen 1ml/lít áp dụng với nước chấm và có giá trị đối với arsen vô cơ. Còn khảo sát của Vinastas lại áp dụng với arsen tổng, trong đó chính cơ quan này khẳng định không phát hiện arsen vô cơ mà chỉ phát hiện arsen hữu cơ - loại hợp chất arsen không gây hại và không bị giới hạn hàm lượng vì đây là thành phần tự nhiên có trong cá và hải sản. Nước mắm truyền thống được làm từ cá và muối thì tất nhiên sẽ chứa arsen hữu cơ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng công bố thông tin 67,33% mẫu nước mắm không đạt về chỉ tiêu arsen là không chuẩn mực. Việc thông tin “nước mắm nhiễm arsen” một cách mập mờ đã gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt ảnh gây hưởng lớn đến hoạt động kinh của các hộ dân và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Bởi, người dân thì sợ hãi vì chẳng hiểu arsen hữu cơ thế nào, arsen vô cơ thế nào, cứ nghe đến nước mắm chứa arsen (thạch tín) là kinh rồi. Thế nhưng, trên thực tế thạch tín như thế nào lại là vấn đề khác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, đối với việc xác định hàm lượng arsen trong nước mắm, nếu là tổng lượng arsen thì khác, mà lượng arsen vô cơ lại khác. Arsen vô cơ thì độc, còn arsen hữu cơ không độc, nó vẫn tồn tại như một chất tự nhiên có trong con cá. “Chính vì thế, việc nhấn mạnh rằng "nước mắm có độ đạm cao thì arsen càng nhiều" khiến người dân càng hoang mang. Từ đó có thể dẫn đến rất nhiều suy diễn khác nhau.
Cùng với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nhiều chuyên gia và nhà khoa học khác cũng đã bức xúc lên tiếng chỉ ra sự mập mờ trong kết luận về nước mắm chứa thạch tín của Vinatas.
Trước đó, khi bị đặt câu hỏi về doanh nghiệp đứng sau lưng đầu tư cho khảo sát này, đại diện Vinastas từ chối cung cấp danh tính, chỉ cho biết họ nhận tiền tài trợ không phải từ doanh nghiệp trong ngành hàng. Tuy nhiên, người tiêu dùng hoàn toàn có thể đặt nghi ngờ về việc Masan chính là tập đoàn đứng sau lưng chiến dịch "vùi dập nước mắm truyền thống" này, bởi ngay sau đó là quảng cáo nước mắm an toàn thạch tín của Masan, và trước đó trong danh sách kết quả các loại nước mắm có hàm lượng arsen đạt quy định do Vinatas khảo sát có tên các thương hiệu nước mắm của Masan như Nam Ngư, Chin-su.